Liên quan đến việc người dân từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông di chuyển (qua địa phận TP.HCM) về quê ở khu vực ĐBSCL, chiều 28-7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận do tình hình thực hiện Chỉ thị 16 gần như tất cả địa phương nên việc đi lại của người dân khó khăn.
Tỉnh Long An đã phối hợp với TP.HCM đưa người lao động, người dân đang làm việc, học tập ở TP.HCM trở về các địa phương ở miền Tây. Ảnh: CTV
Nên về quê có tổ chức để đảm bảo an toàn phòng dịch
Theo ông Mãi, có tình trạng số đông bà con, với khoảng mấy trăm người về các tỉnh, thành ở ĐBSCL nhưng bị vướng lại đoạn quốc lộ 1 giáp ranh giữa huyện Bình Chánh với Long An.
Ông Mãi cho rằng: “Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, việc đi lại cần thực hiện theo các quy định, nếu bà con tự đi như thế này sẽ rất khó cho cơ quan phòng chống dịch”.
“Chúng tôi ở TP nhìn thấy việc bà con đứng chờ hàng giờ trong điều kiện mùa mưa như thế này rất vất vả, xót xa. Tuy nhiên, về quy định phòng chống dịch phải thực hiện nghiêm. Rất mong bà con nên có đăng ký với từng địa phương để các địa phương trao đổi với nhau, tổ chức cho bà con đi về, đảm bảo an toàn sức khỏe và cũng dễ cho các địa phương quản lý phòng chống dịch tốt hơn” -ông Mãi đề nghị.
Trước đó, chiều tối 27-7, tại xã Mỹ Yên (huyện Bến Lức, Long An), nhiều người dân di chuyển xe máy từ TP.HCM về các tỉnh ĐBSCL, cao điểm lên đến trên 300 người và phương tiện.
Theo UBND tỉnh Long An, trước nguy cơ không đảm bảo an toàn về phòng chống dịch COVID-19, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được và các lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp ra hiện trường để phối hợp cùng lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL thống nhất phương án đưa người dân về địa phương.
Sau đó, TP.HCM đã bố trí xe buýt để chở người dân và xe tải vận chuyển phương tiện nhằm đảm bảo đưa người dân về các địa phương một cách chu đáo, an toàn và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.
UBND tỉnh Long An cũng đã ban hành công văn đề nghị UBND các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ... phối hợp, thông tin về kế hoạch đưa người lao động, người dân đang làm việc, học tập tại TP.HCM trở về địa phương.
Trong đó thể hiện rõ danh sách, số lượng xe (ô tô, xe khách...) và thời gian dự kiến di chuyển qua địa bàn tỉnh Long An để UBND tỉnh Long An chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình di chuyển qua địa bàn tỉnh.
Cần Thơ đã sẵn sàng UBND TP Cần Thơ cũng đã có văn bản gửi UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương đề nghị hỗ trợ đón khoảng 1.000 người là công dân của TP Cần Thơ về địa phương. Để chủ động trong việc sắp xếp bố trí, UBND TP Cần Thơ đề nghị UBND TP.HCM tạo điều kiện xét nghiệm tập trung cho những người này trước khi về và bố trí địa điểm để các công dân đến tập kết. TP Cần Thơ sẽ bố trí phương tiện đến địa điểm tập kết để đón công dân và đưa về khu cách ly tập trung tại TP Cần Thơ. |
Bến Tre chuẩn bị phương án
Trao đổi với chúng tôi chiều cùng ngày, nhiều địa phương ở các tỉnh, TP thuộc ĐBSCL cho hay đã lên phương án đón công dân trở về quê để vừa chia sẻ áp lực chống dịch với TP.HCM, vừa kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả.
Tại Bến Tre, trong ngày 28-7, ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh này, cho biết sở đang phối hợp với ban liên lạc Hội đồng hương (HĐH) tỉnh tại TP.HCM cùng Sở GTVT tỉnh chuẩn bị phương án, phương tiện để đón công dân địa phương từ TP.HCM trở về.
UBND tỉnh này đã phát đi thông báo liên quan đến việc đón công dân về quê. Người dân Bến Tre hiện đang ở TP.HCM nếu có nhu cầu về quê sẽ đăng ký qua đầu mối ban liên lạc HĐH tỉnh tại TP.HCM. Khi về địa phương, đoàn xe sẽ đưa các công dân này về trung tâm các huyện và TP Bến Tre để chính quyền địa phương các nơi tiếp nhận và hỗ trợ cách ly tập trung.
Theo dự kiến, đợt đầu tiên, đoàn xe của tỉnh sẽ tổ chức đón tại Bến xe Miền Tây để đưa khoảng 1.400 công dân Bến Tre hiện đang ở TP.HCM về quê. Những người này phải có giấy xét nghiệm nhanh âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng ba ngày kể từ ngày được xét nghiệm.
Theo ông Hùng, hiện nay TP.HCM và các nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, do đó việc đi lại của người dân trong lúc này rất khó khăn. Vì vậy, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM hỗ trợ, tạo điều kiện để ban liên lạc HĐH tỉnh Bến Tre tại TP.HCM phối hợp với các cơ quan có liên quan xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho người dân để đủ điều kiện rước về nơi cư trú.
“Hiện Sở LĐ-TB&XH tỉnh đang họp với ngành chức năng để chuẩn bị công tác đón công dân từ TP.HCM về, tuy nhiên đến nay vẫn chưa định được ngày chính xác” - giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre thông tin thêm.
Ông Cao Minh Đức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre, cho hay sở đã chuẩn bị mọi điều kiện phương tiện để chuẩn bị cho công tác đón công dân trở về từ TP.HCM với sự tài trợ của hãng xe Phương Trang.
Kiên Giang thực hiện từng bước, Trà Vinh lên kế hoạch
Tại Kiên Giang, lãnh đạo tỉnh này cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan chuẩn bị phương án đón công dân từ TP.HCM về. Trước mắt, Kiên Giang sẽ ưu tiên cho lực lượng học sinh, sinh viên có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ khi lên xe. Khi đón về, những người này sẽ được bố trí ở ký túc xá của Trường CĐ sư phạm, nếu số lượng tăng thêm thì bố trí ở tại cơ sở Trường CĐ Kiên Giang. UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị thực hiện việc đón người về phải theo từng bước, từng đợt để rút kinh nghiệm tổ chức đón và bố trí ăn, ở khu cách ly.
Tại Trà Vinh, chiều 28-7, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết tỉnh đang lên kế hoạch hỗ trợ đưa người dân có nơi cư trú trên địa bàn Trà Vinh đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương trở về tỉnh, ngoại trừ những trường hợp F0 đang điều trị và người đang cách ly tập trung.
Theo đó, Thường trực UBND tỉnh đã đề nghị Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ động liên hệ với Ban Liên lạc đồng hương tỉnh Trà Vinh tại TP.HCM để nhằm rà soát nhu cầu, số lượng cụ thể của người dân có nơi cư trú trên địa bàn tỉnh đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương thật sự cần thiết có nguyện vọng trở về.
Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, phương tiện, cơ sở cách ly, xét nghiệm... để tổ chức tiếp nhận công dân trở về, thực hiện cách ly tại địa phương theo quy định.•
Phải lên phương án vận chuyển đảm bảo phòng dịch tối đa Trước đó, ngày 23-7, UBND TP.HCM đã có Công văn số 2452 chỉ đạo các ngành chức năng liên quan hỗ trợ, phối hợp với HĐH các tỉnh, TP tổ chức đưa người dân về địa phương theo đề nghị của các tỉnh. Để thực hiện việc vận chuyển người lao động, người dân từ TP.HCM có nguyện vọng về các địa phương, Sở GTVT TP.HCM cho biết đã có văn bản đề nghị Sở GTVT các tỉnh, TP trực thuộc trung ương khẩn trương triển khai báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của địa phương khi xây dựng phương án vận chuyển. Trong phương án vận chuyển phải có sự tham gia của các cơ quan gồm y tế, bộ đội, công an, GTVT và cơ quan khác có liên quan tại địa phương để đảm bảo an toàn và phòng chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Phương án vận chuyển cụ thể sẽ do Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 hai địa phương thống nhất, quyết định. Sở GTVT TP.HCM đề nghị các đơn vị, Sở GTVT các tỉnh, thành khi tổ chức kế hoạch vận chuyển cần báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, TP có phương án, bao gồm số lượng, đối tượng, danh sách người dân được tỉnh, TP đồng ý tiếp nhận; phương thức vận chuyển, thời gian, cơ quan đầu mối, người liên hệ... Sau đó gửi UBND TP.HCM để Sở GTVT có cơ sở tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác của Nam bộ đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. |