Tình nguyện viên đang chuyển đổi một nhà kho chứa hàng hóa ngành hàng không thành một bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 ở sân bay quốc tế Don Mueang tại thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 28-7-2021 - Ảnh: REUTERS
Bộ Y tế Thái Lan sáng 29-7 ghi nhận thêm 17.669 ca COVID-19 và 165 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ, đều là mức tăng theo ngày cao nhất kể từ đầu dịch.
Cho tới nay, Thái Lan đã có 561.030 ca COVID-19, trong đó có 532.167 ca được ghi nhận trong đợt bùng dịch thứ ba bắt đầu từ ngày 1-4. Thái Lan cũng có 4.562 ca COVID-19 tử vong từ đầu dịch, riêng đợt dịch thứ ba là 4.468 ca.
Báo Bangkok Post ngày 29-7 dẫn nguồn tin cho biết Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hy vọng tình hình dịch COVID-19 ở nước này sẽ giảm bớt trong 4-6 tuần tới, trong bối cảnh công chúng lo lắng khi thấy số ca bệnh mới theo ngày tăng liên tục.
Trong cuộc họp khẩn trực tuyến, ông Prayut cũng yêu cầu lãnh đạo chính quyền tỉnh thành Thái Lan thông tin tình hình cụ thể để hiểu rõ cách chống dịch COVID-19 ở địa phương và điều chỉnh nếu cần.
Trong khi đó, Campuchia đã siết chặt các biện pháp chống dịch COVID-19 khi số ca mắc mới theo ngày vẫn trên 700 ca.
Theo báo Khmer Times, lệnh giới nghiêm từ 21h đến 3h có hiệu lực từ ngày 30-7 đến 12-8 là một trong những biện pháp nghiêm ngặt nhất cho đến nay của Chính phủ Campuchia trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta.
Bên cạnh đó, Campuchia cũng khôi phục bảng màu đỏ, cam và vàng dành cho các vùng có dịch. Trong đó, vùng bị ảnh hưởng nặng nhất là vùng đỏ.
Ngoài ra, tám tỉnh, hầu hết có biên giới giáp với Thái Lan, của Campuchia sẽ bước vào đợt phong tỏa 14 ngày kể từ 29-7. Lý do là sau một thời gian ít ca nhiễm, các tỉnh này bắt đầu ghi nhận số ca mắc mới theo ngày từ hai đến ba con số.
Campuchia ngày 28-7 ghi nhận thêm 766 ca COVID-19 và 15 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số ca COVID-19 trên cả nước lên 75.152 ca, trong đó có 1.339 ca tử vong.
Nhiều người Nhật Bản lo ngại các vận động viên và quan chức tham dự Olympic Tokyo sẽ góp phần làm tăng số ca nhiễm ở nước này - Ảnh: REUTERS
Tại châu Á, theo Hãng tin Reuters, cố vấn y tế cấp cao của Chính phủ Nhật Bản Shigeru Omi ngày 29-7 cảnh báo Nhật Bản đang đối mặt với tình huống nghiêm trọng nhất từ đầu dịch COVID-19.
Ông Omi kêu gọi chính phủ gửi "thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng" về những nguy cơ ngày càng tăng, trong đó có nguy cơ đối với hệ thống y tế.
Cụ thể, thành phố Tokyo, đang đăng cai Olympic, đã ghi nhận 3.177 ca COVID-19 mới trong 24 giờ vào ngày 28-7, mức tăng kỷ lục theo ngày trong ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh số ca bệnh mới đang gia tăng áp lực lên các bệnh viện ở thủ đô. Trên toàn quốc, Nhật ngày 28-7 lần đầu tiên ghi nhận tới 9.500 ca COVID-19 trong 24 giờ.
Việc gia tăng số ca nhiễm làm tăng thêm những lo lắng về Thế vận hội, đang diễn ra trong các điều kiện chưa từng có trước đây, trong đó có lệnh cấm khán giả ở hầu hết các điểm thi đấu.
Ông Omi cho biết tiêm chủng sẽ giúp ngăn chặn virus, nhưng nhiều yếu tố khác đang trở thành nguyên nhân đẩy các ca bệnh mới tăng cao, trong đó có sự phổ biến của biến thể Delta dễ lây lan, sự mệt mỏi trước các hạn chế phòng dịch, và Thế vận hội.
Nhiều người Nhật đã lo lắng số vận động viên và quan chức tham dự Thế vận hội sẽ góp phần làm số ca COVID-19 tăng lên. Trong khi đó, các chuyên gia đã cảnh báo việc tổ chức sự kiện thể thao lớn sẽ gửi thông điệp khó hiểu về việc kêu gọi người dân ở nhà.
Các nhà tổ chức Thế vận hội ở Nhật ngày 28-7 ghi nhận thêm 24 ca COVID-19 mới liên quan đến sự kiện thể thao này, trong đó có ba vận động viên, nâng tổng số ca COVID-19 lên 193 ca kể từ ngày 1-7.
TTO - Bộ trưởng Y tế Singapore cảnh báo nếu ổ dịch hiện tại lây lan không kiểm soát, số ca nhiễm COVID-19 ở nước này sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 7 đến 10 ngày. Số giường bệnh trống hiện tại sẽ kín, thậm chí quá tải, trong một tuần.