Phát biểu trên CNBC, ông Bourla cho biết hiệu quả với vắc xin Pfizer giảm xuống còn 84% đối với những người đã tiêm liều thứ 2 sau 4 đến 6 tháng. Tuyên bố chưa có sự kiểm chứng chéo này được đưa ra trong bối cảnh nhà sản xuất thuốc và giới chức Mỹ mâu thuẫn quanh việc có cần thiết tiêm liều vắc xin Covid-19 thứ 3 để tăng cường khả năng miễn dịch hay không.
Theo nghiên cứu độc lập của riêng Pfizer, hiệu quả của vắc xin đạt mạnh nhất là 96,2% trong giai đoạn từ 1 tuần tới 2 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ 2. Hiệu quả của nó giảm trung bình 6% mỗi tháng. Sau 4 đến 6 tháng, hiệu quả của vắc xin chỉ còn 84%. Nghiên cứu này được thực hiện với 44.000 tình nguyện viên ở Mỹ và các quốc gia khác.
"Chúng tôi cũng đã xem xét dữ liệu từ Israel cho rằng khả năng miễn dịch của vắc xin đang suy yếu và điều đó cũng bắt đầu ảnh hưởng đến những gì từng là khả năng 100% người tiêm phòng đầy đủ tránh phải nhập viện khi mắc Covid-19", ông Bourla nói.
Tuy nhiên, ông Bourla tin rằng việc tiêm mũi vắc xin thứ 3 sẽ giúp tăng cường miễn dịch, chống lại sự lây nhiễm với biến thể Delta. Hiện tại, Delta là biến thể đáng quan ngại nhất trên toàn thế giới và đang là thủ phạm chính cho phần lớn các ca lây nhiễm trên toàn cầu.
Vị CEO của Pfizer cũng nói rằng việc vắc xin giảm hiệu quả không phải hiếm đồng thời việc tiêm 3 mũi vắc xin cũng đã từng có tiền lệ với các bệnh khác. Công ty sẽ gửi dữ liệu nghiên cứu của mình tới cơ quan quản lý của Mỹ liên quan tới liều vắc xin thứ 3 vào giữa tháng 8 tới.
Hồi đầu tháng, khi Pfizer lần đầu tiên công bố kế hoạch tiêm mũi thứ 3, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã ra tuyên bố chung, nói rằng những người Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ không cần tiêm nhắc lại trong thời gian này. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới cũng không khuyến nghị tiêm thêm mũi vắc xin Covid-19 thứ 3 ở thời điểm hiện tại.
Bác sĩ Kate O’Brien, người đứng đầu lĩnh vực tiêm chủng, vắc xin và sinh phẩm của WHO nói rằng họ đang nghiên cứu xem mũi vắc xin chống Covid-19 thứ 3 có cần thiết hay không. "Chúng tôi phải nói rõ ràng rằng chưa có đủ thông tin để đưa ra đề xuất tiêm vắc xin thứ 3 ở thời điểm này. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để đưa ra khuyến nghị dựa trên những bằng chứng khoa học".
Pfizer công bố kết quả nghiên cứu chỉ một ngày sau khi CDC Mỹ đảo ngược khuyến cáo của chính họ, đề nghị những người Mỹ đã tiêm phòng đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang ở những khu vực có nguy cơ cao.
Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đã tăng lên trong những tuần gần đây. Các quan chức y tế khẳng định biến thể Delta là nguyên nhân chính. Dù các quan chức cho biết phần lớn những ca nhập viện và tử vong là những người chưa tiêm phòng nhưng sự lây lan của biến thể Delta có thể đe dọa cả những người đã tiêm chủng, ngay cả khi họ không có triệu chứng. Những người này cũng dễ dàng khiến virus lây lan sang những người khác ngay cả khi virus không thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe họ.