Máy bay chiến đấu tàng hình mới thế hệ thứ năm của Nga – Checkmate (Chiếu tướng) có thể kích hoạt một cuộc chiến giá cả trên thị trường máy bay chiến đấu toàn cầu khi Checkmate cạnh tranh với tiêm kích F-35 của Mỹ, Rafale của Pháp, SAAB Gripen của Thụy Điển và Eurofighter Typhoons của nhiều nước châu Âu.
Tiêm kích mới Checkmate của Nga tại triển lãm hàng không quốc tế MAKS 2021. Ảnh: TWITTER
Trang tin The EurAsian Times dẫn nhận định của giới phân tích quân sự cho hay tiêm kích Checkmate của Nga có thể thúc đẩy một cuộc chiến giá cả giữa hầu hết các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thứ năm, trong đó có tiêm kích FC-31 của Trung Quốc, thậm chí có thể giết chết thị trường của tiêm kích SAAB Gripen.
Checkmate gần đây được ra mắt tại cuộc triển lãm hàng không quốc tế MAKS 2021 tổ chức tại Nga. Máy bay dự kiến cất cánh vào năm 2023, bắt đầu đến năm 2026 sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Checkmate là máy bay chiến thuật hạng nhẹ một động cơ, có thể bay với vận tốc Mach 1,8 – Mach 2 (2.205 km/giờ - 2.450 km/giờ) với tầm hoạt động 3.000 km. Tiêm kích mới của Nga có thiết kế nhỏ hơn và rẻ hơn tiêm kích tàng hình hai động cơ Su-57 cũng của Nga.
Như The EurAsian Times đưa tin trước đó, Checkmate có nhiều tính năng hiện đại, có khả năng của một tiêm kích được trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ, được chính phủ và ngành công nghiệp quốc phòng Nga quảng bá là sản phẩm xuất khẩu.
Video nhá hàng trước đó đã chỉ ra các khách hàng tiềm năng gồm: Ấn Độ, Argentina và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Tập đoàn Sukhoi – đơn vị phát triển tiêm kích Checkmate lên kế hoạch sản xuất 300 chiếc máy bay chiến đấu chiến thuật hạng nhẹ một động cơ này trong vòng 15 năm dựa trên nhu cầu cao.
Nga trình làng tiêm kích mới Checkmate trong bối cảnh giới quân sự Mỹ nổ ra cuộc tranh luận về “tính kinh tế” của chương trình phát triển tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter do chi phí quá lớn và trục trặc kỹ thuật.
Tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter
Chương trình phát triển F-35 do tập đoàn Lockheed Martin phát triển, ban đầu được phê duyệt vào tháng 10-2001 dưới thời Tổng thống Mỹ Georgeo W.Bush. Chương trình được dự đoán là chương trình máy bay và quân sự đắt đỏ nhất trong lịch sử, ước tính hơn 1 nghìn tỉ USD.
Tiêm kích F-35A Lightning II đậu trên đường bằng tại căn cứ không quân Powidz (Ba Lan) năm 2019. Ảnh: U.S. Air Force/Senior Airman Milton Hamilton
Được coi là một trong những máy bay chiến đấu mạnh nhất thế giới, F-35 đã được xuất khẩu sang 14 quốc gia. Đây vẫn được coi là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm thành công nhất trên thị trường quốc tế do lệnh cấm xuất khẩu tự ban hành đối với tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ và J-20 của Trung Quốc.
Theo ước tính của chính phủ Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch mua gần 2.500 chiếc F-35 với giá khoảng 400 tỉ USD. Dự kiến Bộ này chi thêm 1,27 nghìn tỉ USD để vận hành và duy trì những tiêm kích này. Con số này tăng so với ước tính 1,1 nghìn tỉ USD năm 2012.
Văn phòng trách nhiệm giải trình chính phủ Mỹ (GAO), một cơ quan giám sát quân sự ngày 7-7 công bố một báo cáo trong đó cảnh báo chi phí duy trì được dự báo đối với F-35 là không thể chi trả.
Chi phí vận hành F-35 có thể lên tới 38.000 USD mỗi giờ bay, theo ước tính của Văn phòng Chương trình Liên hợp F-35.
Báo cáo đề nghị Không quân Mỹ cần giảm chi phí ước tính hằng năm mỗi chiếc là 3,7 triệu USD (47%) đến năm 2036, nếu không sẽ vượt ngân sách duy trì khoảng 4,4 tỉ USD.
“Cắt giảm những chi phí này phải là ưu tiên hàng đầu” – GAO cho biết.
Trong một báo cáo độc lập, hãng tin Bloomberg liệt kê hơn 860 lỗi phần mềm và phần cứng trên F-35 mà nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin vẫn chưa giải quyết kể từ khi hoàn tất giai đoạn phát triển hồi tháng 4-2018.
Bất chấp những câu hỏi được đặt ra về tương lai của chương trình, F-35 vẫn là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm hiện đại nhất và được săn đón nhất. Phải chờ xem liệu người Nga có thể khai thác dư luận tiêu cực đối với F-35 để cung cấp một lựa chọn khác rẻ hơn hay không.
FC-31 của Trung Quốc, Gripen của Thụy Điển và Rafale của Pháp
Báo Global Times (Trung Quốc) trong một bài báo đã đánh giá khả năng của tiêm kích Checkmate, so sánh máy bay mới của Nga với tiêm kích FC-31 – máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm thứ hai vẫn đang được phát triển của Trung Quốc.
“Checkmate cũng sẽ là đối thủ trực tiếp của máy bay chiến đấu tàng hình cỡ trung FC-31 của Trung Quốc trên thị trường vũ khí quốc tế” – bài báo của Global Times có đoạn.
Tiêm kích Saab Gripen của Thụy Điển: Ảnh: SAAB
Tuy nhiên, sản phẩm của Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm, đi trước tiêm kích Checkmate một bước về tiến độ phát triển” – chuyên gia quân sự Wei Dongxu ở Bắc Kinh đánh giá.
Đối thủ cạnh tranh thứ hai với tiêm kích Nga là tiêm kích Dassault Rafale của Pháp và JAS-39 Gripen của Thụy Điển.
The EurAsian Times trước đó đưa tin rằng truyền thông phương Tây đang khắc họa tiêm kích mới Checkmate là “kẻ thù rất nguy hiểm” đối với bất kỳ máy bay thế hệ thứ tư nào.
Tại sao Checkmate rẻ?
Nhà sản xuất Sukhoi cho hay Checkmate có giá rẻ là do các phương pháp sản xuất có sự hỗ trợ của AI và công nghệ tái chế vốn trước đây được sử dụng trong quá trình phát triển Su-35S và Su-57, theo chuyên san quân sự National Interest.
Với giá 25 triệu USD-30 triệu USD mỗi chiếc, Checkmate sẽ rẻ hơn nửa giá Saab Gripen (85 triệu USD), thậm chí rẻ hơn đáng kể so với tiêm kích Dassault Rafale (115 triệu USD) và Su-57 của Nga (100 triệu USD).
Truyền thông phương Tây khắc họa tiêm kích mới Checkmate là “kẻ thù rất nguy hiểm” đối với bất kỳ máy bay thế hệ thứ tư nào. Ảnh: Reddit
Ở chiều ngược lại, mặc dù giá thành của biến thể F-35A mà Không quân Mỹ sử dụng giảm xuống dưới 80 triệu USD, nhưng các biến thể F-35B (cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng) và F-35C (được sử dụng cho Hải quân Mỹ) sẽ có giá hơn 115 triệu USD mỗi chiếc.
National Interest dự đoán rằng những mức giá nói trên có thể là mức giá cơ bản, trước khi các cấu hình, sửa đổi và chuyển đổi vũ khí/điện tử hàng không theo yêu cầu cụ thể của khách hàng được tính vào.
Bên cạnh lợi thế rõ ràng về chi phí, những khả năng tàng hình tiên tiến cùng hệ thống điện tử hàng không chiến đấu như khả năng tấn công tới sáu mục tiêu cùng một lúc, khiến tiêm kích mới của Nga trở thành một sản phẩm mang tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Với một phiên bản không người lái đã được lên kế hoạch, tiêm kích Checkmate có cơ hội công bằng để cạnh tranh với các đối thủ.