Mới đây, Trung Quốc đã phá vỡ mô hình thông thường về quản lý thanh khoản hàng ngày khi bơm thêm tiền mặt vào hệ thống tài chính, sau khi cổ phiếu và trái phiếu của nước này chịu rủi ro lớn đối với việc thay đổi quy định.
PBOC đã bơm 30 tỷ CNY (4,6 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua hợp đồng repo ngược kỳ hạn 7 ngày, trong đó bơm ròng 20 tỷ CNY vào ngày hôm nay. Động thái này đánh dấu đợt bơm tiền vào hệ thống tài chính với giá trị hơn 10 tỷ CNY lần đầu tiên kể từ ngày 30/6. Ngoài ra, điều này cũng diễn ra trước thời điểm cuối tháng, khi thanh khoản thường được thắt chặt hơn.
Đây là một dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh không còn thoải mái với những biến động mạnh trên thị trường tài chính. Nguồn tin thân cận tiết lộ với Trung Quốc, tối ngày hôm qua, cơ quan quản lý chứng khoán đã triệu tập giám đốc điều hành của các ngân hàng đầu tư lớn, nỗ lực tìm cách xoa dịu căng thẳng trên thị trường.
Các phương tiện truyền thông nhà nước đã nhanh chóng đăng tải một loạt nội dung để chứng minh rằng đợt bán tháo này đã kết thúc. Trong khi đó, một số nhà phân tích suy đoán các quỹ đầu tư nhà nước đã bắt đầu can thiệp để hỗ trợ thị trường.
Ở phiên giao dịch sáng ngày hôm nay, chứng khoán Trung Quốc đã có chuyển biến tích cực. CSI 300 tăng 1,2% sau khi gần như rơi vào thị trường "con gấu" vào buổi sáng thứ Tư. Đồng CNY giao dịch ở nước ngoài hiện đang thấp hơn 0,1% so với đồng USD, sau khi tăng lên mức 0,6% hôm qua.
Hao Zhou - nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Commerzbank AG, cho biết: "Dường như PBOC muốn khôi phục niềm tin của thị trường, sau vài ngày biến động dữ dội. Nhìn chung, điều này đúng với cách tiếp cận thường thấy của Trung Quốc, họ tập trung vào sự ổn định tài chính và kiểm soát kỳ vọng."
Sau động thái mới đưa ra, chi phí đi vay liên ngân hàng tại Trung Quốc đã giảm xuống. Lãi suất qua đêm giảm 36 điểm cơ bản xuống 1,69%, khi lãi suất của các hợp đồng repo 7 ngày giảm 17 điểm cơ bản xuống 2,23%. Lợi suất trái phiếu 10 năm lần đầu tiên giảm sau 3 ngày, khi có lúc tăng lên mức cao nhất trong 1 năm vào hôm thứ Ba.
Ngoài ra, trong cuộc họp ngày hôm qua, Bắc Kinh cho biết sẽ tiếp tục cho phép các công ty nước này niêm yết tại Mỹ, miễn là họ đáp ứng được các yêu cầu. Việc niêm yết ở nước ngoài có thể được thực hiện khi sử dụng mô hình sở hữu đặc biệt (VIE). VIE là cấu trúc mà một doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát toàn bộ hoặc đa phần trong một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bị hạn chế sự có mặt của nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ quan quản lý cho biết cấu trúc này là một cách quan trọng để các công ty thu hút vốn nước ngoài, nhưng cần phải được điều chỉnh nếu có những lo ngại về an ninh quốc gia.
Tham khảo Bloomberg; CNBC