Tại hội thảo trực tuyến "Kinh tế thời đại dịch: Khi chiến lược thay đổi", Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright, đánh giá ngân hàng lãi mạnh trong khi các doanh nghiệp kinh doanh rất khó khăn vì dịch bệnh đã đem lại nhiều sự bức xúc.
"Tuy nhiên, việc lãi của ngân hàng lại đến từ thị trường do họ đang làm tốt chuyện phân bổ nguồn vốn đúng đối tượng, đúng mục đích cho nền kinh tế. Ngân hàng càng khoẻ mạnh, có lãi tốt thì mới có thể cung ứng vốn cho doanh nghiệp.
Lần dịch bệnh này là một cuộc khủng hoảng nhưng hệ thống tài chính đứng vững, sức khỏe ngân hàng vẫn giữ vững. Do đó, chúng ta nên nhìn việc lãi của ngân hàng từ góc độ tích cực này" - Tiến sĩ Thành chia sẻ.
Tại hội thảo "Ngành Ngân hàng – Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn" do Công ty chứng khoán SSI tổ chức mới đây, các chuyên gia cũng có cái nhìn khá chi tiết về lợi nhuận ngân hàng.
Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư của SSI, lãi suất giảm một thời gian dài và liên tục là nền tảng giúp ngân hàng lãi lớn. Những điểm quan trọng nhất đem đến tăng trưởng lãi bền vững là ngân hàng đã kiểm soát rủi ro tốt, tối ưu hóa chi phí hoạt động, nguồn thu dịch vụ tăng mạnh cũng như có nhiều sản phẩm đa dạng hơn ngoài tín dụng.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong, cũng thừa nhận, ngân hàng lãi do chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay đóng góp nhưng không có nghĩa ngân hàng cho vay thiếu trách nhiệm, mà cần đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
"Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03, cho phép ngân hàng cơ cấu lại nợ và giảm lãi nợ cho khách hàng. Nếu tính đúng phải trích lập dự phòng cho khoản vay xếp vào nhóm nợ xấu, và do đó lợi nhuận sẽ giảm" - ông Hưng cho biết.