vĐồng tin tức tài chính 365

Những cuộc hồi hương 'bão táp'

2021-07-29 16:21
Những cuộc hồi hương bão táp - Ảnh 1.

Nhóm người Nghệ An dừng chân tại Đà Nẵng sau gần hai ngày chạy xe máy ròng rã từ Bình Dương về quê - Ảnh: B.D.

12h ngày 27-7, chúng tôi chọn đường dẫn qua đèo Hải Vân để đón lõng những dòng người "tản cư" từ phía Nam trên đường về quê. Không quá khó khăn để gặp họ. Chỉ chừng 10km đèo nhưng gần như tất cả mọi khúc cua, mọi bóng cây và khe suối đều trở thành chỗ nghỉ ngơi.

"Hai ngày rồi cả nhà phải di chuyển trên đường nên con nó kiệt sức. Ban đêm không được ngủ nữa. Giờ chỉ mong phút đặt chân tới nhà mẹ thôi.

Lầu Y Kia nói như bật khóc

20 giờ vạ vật trên quốc lộ 1A

Chúng tôi bắt gặp nhóm của Nguyễn Duy Phương (23 tuổi, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cùng bốn người khác đang ngồi nghỉ dưới gốc thông già giữa đèo Hải Vân, thuộc địa phận Đà Nẵng. 

Phương nhỏ con, mặt hốc hác và đôi mắt đỏ quạch vì chạy xe liên tục từ Bình Dương về quê nhà. Tính tới trưa 27-7, Phương và em gái là Nguyễn Thị Ngọc Lan cùng mấy người trong nhóm đã chạy xe máy hơn 30 tiếng. Dù đã ngồi nghỉ, pô xe máy của họ vẫn bốc khói khét lẹt.

Phương nói mình cùng hai em là Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Bảo Linh mới vào Bình Dương làm công nhân chưa được 2 tháng. 

Lan và Linh đang học lớp 11, tranh thủ mấy tháng hè để kiếm tiền về đóng học phí. Nhưng khi nhận việc chưa được 1 tháng thì dịch tới.

"Tụi em tính nán lại cầm cự cho hết dịch rồi làm tiếp. Nhưng càng đợi thì thấy càng căng thẳng nên quyết định về quê" - Phương nói.

2h30 sáng 26-7, ba chiếc xe máy của anh em Phương ra khỏi phòng trọ, đích đến là quê nhà. Tới lúc nằm nghỉ ở đèo Hải Vân, Phương nói đã chạy xe ròng rã hơn 30 tiếng, ai cũng kiệt sức vì lả đói và khát nước. 

Phương nói dù chẳng lạ lẫm cảnh đi làm thuê nhưng đời anh cũng chưa từng nghĩ mình sẽ phải ngủ vạ vật ngoài đường sá như người vô gia cư. 

Vậy mà đêm qua (rạng sáng 27-7), khi chạy xe tới mức lả mệt, không tìm ra nhà trọ nên Phương cùng mọi người phải nằm vật ra ở một cây xăng bị bỏ hoang trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định. 

Lúc ngủ dậy mới biết nơi mình nằm la liệt phân uế, nước tiểu của người qua đường. "Nhưng mệt quá thì phải chấp nhận. Ngủ được 30 phút, anh em tiếp tục lên đường để sớm được về nhà" - Phương nói.

Trưa 27-7, tuyến đường vắt qua đèo Hải Vân trở thành điểm tập kết khổng lồ. Từng nhóm lao động nghèo khăn đùm khăn gói nối đuôi nhau chạy xe máy đổ đèo hướng ra Bắc Trung Bộ. Tất cả đều vội vã, mệt nhoài và lo âu. 

Ông Nguyễn Sơn Thành - người bán hàng nước trên đỉnh đèo Hải Vân - nói với chúng tôi rằng tầm 2h-5h rạng sáng suốt 2 tuần nay là thời điểm người về quê ùn ùn kéo lên đèo Hải Vân nhiều nhất.

"Đa số bà con xuất phát từ TP.HCM, Bình Dương lúc rạng sáng và chừng 2 ngày thì tới đây cũng rạng sáng. Thương lắm, nhiều người thả được chân chống xuống đường là vật ra thở, ngủ mê man. 

Cảnh sát, nhân viên y tế túc trực ở đèo và bà con mang bánh mì, đồ ăn, nước uống tới lay gọi bao nhiêu cũng không tỉnh dậy. Thương nhất là mấy cháu nhỏ đi cùng cha mẹ, má đứa nào cũng đỏ ửng vì táp nắng, mắt đỏ quạch" - ông Thành nói.

Những cuộc hồi hương bão táp - Ảnh 3.

Trẻ thơ mệt lả vì chịu nắng, bụi đường xa - Ảnh: B.D.

Chỉ còn quê mẹ để về

Dọc đường từ Đà Nẵng ra Huế, chúng tôi đi cùng nhóm lao động quê Nghệ An chạy xe máy mang biển số 37. Thật xót xa, họ là những người dân tộc thiểu số mới vào Bình Dương làm thuê chưa được bao lâu thì buộc phải trở về vì dịch. 

Anh Sùng Bá Chò chạy chiếc xe máy Jupiter "nhái" rách bươm, chở theo vợ là Thị Ye cùng đứa con mới 3 tuổi ngồi kẹp ở giữa. Sau yên xe máy là một bao tải đựng chiếu, chăn, quần áo và một ít bánh mì.

Cùng đi với anh Chò còn có gia đình người anh ruột là Sùng Bá Giờ cùng vợ con và một người trong thôn tên Gành Bá Chua. Tất cả đều ở huyện Tương Dương, Nghệ An. 

Anh Chò cho biết do ở quê làm không đủ ăn nên cách đây 4 tháng cả bốn gia đình rủ nhau vào Bình Dương làm thuê. Dịch đến, thấy dòng người lũ lượt chạy về quê nên rạng sáng 25-7 Chò cùng anh em quyết định đưa vợ con lên đường.

"Tụi em không còn lựa chọn nữa. Ở lại thì không có cái ăn, công việc cũng mất. Đi ra đặt mua vé tàu xe để về thì tàu xe cũng không có. Mấy anh em buộc lòng phải đi xe máy dù rất nguy hiểm" - anh Chò nói. Do về quê vội vã nên không ai kịp chuẩn bị thức ăn. 10 tiếng từ khi xuất phát vào rạng sáng 25-7, họ bắt đầu đói cồn cào. 

"Tụi em tìm các quán còn mở nhưng không một nơi nào bán vì họ sợ dịch. Thật may, tới chốt cảnh sát giao thông ở Bình Thuận, các anh ở đó thương cho bánh mì, sữa tươi, nước uống để đi tiếp" - anh Chua nói.

Chúng tôi tiếp tục theo nhóm người Nghệ An này ra Huế. Đi được chừng vài kilômet, họ khựng xe khi bắt gặp một đoàn khoảng 30 xe máy biển số 37 đang nghỉ chân ở đèo Lăng Cô. Những người xa quê khốn khổ nhận ra đồng hương, tiếp tục lên đường.

Anh Vừ Bá Dũng - một thành viên trong đoàn chạy xe máy - dẫn theo vợ là Lầu Y Kia, kẹp ở giữa là hai con nhỏ chừng 2 - 3 tuổi. Khi đặt chân tới Huế, hai con của Dũng mắt đỏ ke, tóc dựng đứng vì bị gió táp dọc đường. Vừa dừng xe nghỉ ngơi, hai đứa trẻ đã kiệt sức, nôn thốc.

Những cuộc hồi hương bão táp - Ảnh 4.

Gia đình anh Vừ Bá Dũng với hai con thơ kiệt sức trên đường về Nghệ An - Ảnh: B.D.

Những đôi mắt đỏ như máu

Trưa 27-7, con đường chạy dọc đầm Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) đông nghịt người. Dưới cái nóng hầm hập, hàng ngàn người trở về quê khi vừa qua khỏi đèo Hải Vân đã được chặn lại để vào tòa nhà trạm trung chuyển qua hầm đường bộ Hải Vân. 

Tại đây tất cả đều được khai báo y tế, lên xe trung chuyển để qua khỏi đất Huế. Sau hành trình mệt mỏi, nhiều người vừa tới trạm trung chuyển đã nằm vật ra, dang cả tay chân rồi ngủ li bì. Mùi mồ hôi, mùi thức ăn lẫn mùi dung dịch sát khuẩn y tế hòa lẫn vào nhau. 

Tiếng khóc của trẻ vì bức bí, tiếng ồn của đám đông xen lẫn tiếng loa phát ra gọi tên từng người tới khai báo y tế. Tất cả đều mệt mỏi....

Hình ảnh gây ám ảnh nhất cho chúng tôi khi bắt gặp những người lao động khốn khổ này đó là ánh mắt. Tất cả đều đỏ quạch như máu tươi bật trào dưới khóe mắt mỗi người sau mấy ngày quăng quật cho nắng gió trên đường về quê mẹ. Nhiều người nắng táp làm cháy sém cả da thịt, tóc dựng đứng, rối mù. 

"Vào TP.HCM làm thợ may từ năm 15 tuổi tới nay đã gần 7 năm nhưng tụi em chưa một lần nào về quê mà hoang mang và khốn khổ như thế này" - Trương Văn Liền (Vinh Hưng, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) nói trong lúc ngồi đợi khai báo y tế cùng 3 người bạn vừa chạy xe máy trở về từ TP.HCM.

"Tình cảm và xúc động vô cùng"!

Những người chạy xe máy khỏi vùng dịch cho biết trong suốt hành trình về quê, những trạm kiểm dịch, trạm cảnh sát giao thông (CSGT) đóng dọc đường chính là các địa điểm mà bà con có thể tìm thấy sự trợ giúp do không một cửa hàng nào dọc đường đón tiếp người từ vùng dịch.

"Chúng tôi đói lả nhưng mua nước, đồ ăn không được. Có lúc phải tìm nước suối ở dọc đường để cầm hơi. Mỗi lần thấy trạm CSGT hay chốt kiểm dịch là biết chắc mình sẽ "sống" rồi. Chúng tôi được cho đồ ăn, nước uống, nhiều trạm CSGT còn cấp một chai xăng cho bà con. Tình cảm và xúc động vô cùng" - anh Vừ Bá Dũng nói.

Lâm Đồng không tiếp nhận người tự ý về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng NaiLâm Đồng không tiếp nhận người tự ý về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai

TTO - Lâm Đồng ra văn bản hỏa tốc kiên quyết không tiếp nhận người dân tự ý về từ vùng dịch TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, chỉ đón người được ưu tiên và đã đăng ký theo quy định.

Xem thêm: mth.27302530192701202-pat-oab-gnouh-ioh-couc-gnuhn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những cuộc hồi hương 'bão táp'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools