Sầu riêng Đắk Lắk được người tiêu dùng ưa chuộng - Ảnh: TRUNG TÂN
Do đảm trách việc thu hái và thu mua sầu riêng là do thương lái ngoài tỉnh nên địa phương phải siết chặt công tác phòng dịch, để đảm bảo lưu thông hàng hoá.
Tại xã Ea Kênh, Krông Pắk (Đắk Lắk)- một trong những vựa sầu riêng lớn nhất của tỉnh này - đã lác đác xuất hiện người của các thương lái đến các vựa để thu hái, thu mua.
Bà Trần Thị Vân, phó chủ tịch UBND xã Ea Kênh, cho biết xã này có hơn 200ha sầu riêng và 22 vựa mua bán trái cây. Các vựa mua bán không chỉ thu mua trên địa bàn xã mà còn cả các vùng lân cận để đưa đi các tỉnh và xuất khẩu.
Theo bà Vân, khi có lao động, thương lái ngoài tỉnh đến, công an xã sẽ lập danh sách, kiểm tra các trường hợp khai báo đăng ký tạm trú, tạm vắng. Ban chỉ đạo phòng dịch của xã yêu cầu người lao động, thương lái ngoài tỉnh ký cam kết, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch", bà Vân nói.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Đinh Xuân Diệu, chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tại tỉnh Đắk Lắk, cho biết năm nay một tín hiệu rất vui là diện tích và năng suất sầu riêng tăng mạnh, giá cũng ổn. Địa phương đã lên phương án siết chặt công tác phòng dịch để đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm cho bà con.
Huyện Krông Pắk lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng hóa trong tình hình dịch bệnh phức tạp - Ảnh: TRUNG TÂN
"Huyện cũng lập một tổ công tác đặc biệt, lưu động để hỗ trợ các xã, thị trấn trong công tác phòng dịch. Cụ thể, khi có người của thương lái đến, thôn báo lên xã, xã báo lên huyện để tổ công tác này đến tận nơi thực hiện test nhanh COVID-19 để thực hiện các biện pháp y tế cần thiết.
Bên cạnh đó, nếu chủ vườn, chủ vựa có nơi ở biệt lập cho người của thương lái, thì địa phương sẽ giám sát.
Nếu không có chỗ ở biệt lập, huyện sẽ thuê một khách sạn để những người này ở, trả phí trong những ngày lưu trú tại địa phương. Có như vậy, quy trình thu hái, đóng gói, chuyên chở hàng hóa mới khép kín, tránh sự cố lây nhiễm cộng đồng
Về phần mình, huyện thực hiện chặt chẽ các quy định về tiếp nhận, yêu cầu khai báo y tế, test nhanh, cách ly cho lực lượng thu hái, thu mua… để hạn chế thấp nhất rủi ro", ông Diệu nói.
Về vấn đề đảm bảo công tác phòng dịch đối với người lao động ngoài tỉnh, người nước ngoài đến địa phương, lãnh đạo Sở Lao động thương binh và xã hội Đắk Lắk, cho biết khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký, lập kế hoạch phòng chống dịch (theo mẫu) gửi lên sẽ được xem xét, hướng dẫn thêm theo hướng an toàn cao nhất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Dương, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho biết để tránh việc phải ‘giải cứu nông sản’, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đồng ý cho tỉnh xây dựng kho dữ liệu về thông tin mùa vụ, sản phẩm… đưa lên sàn thương mại điện tử.
Xin dùng ngân sách dự trữ nông sản
Sở Công thương Đắk Lắk đã văn bản kiến nghị Bộ Công thương đề xuất Chính phủ cho địa phương được dùng ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng hóa khi dịch COVID-19 lây lan rộng trong cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường quốc tế khi các loại nông sản (bơ, mít, sầu riêng...) của tỉnh chuẩn bị vào mùa thu hoạch…
TTO - Huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) là thủ phủ sầu riêng của tỉnh, với tổng nguồn thu gần 2.000 tỉ đồng/năm. Mùa sầu riêng, không chỉ thương lái các nơi đổ về mà các tay anh chị giới giang hồ cũng mon men tìm đến kiếm ăn.