Sau hơn một năm đại dịch Covid-19 đẩy châu Á – Thái Bình Dương vào suy thoái , nhiều nền kinh tế trong khu vực đang dần vượt qua những giai đoạn được cho là khó khăn nhất.
Tuy vậy khi hầu hết các nền kinh tế được đánh giá sẽ phục hồi về lại mức tăng trưởng như trước đại dịch trong năm nay – nhờ vào các yếu tố như việc triển khai tiêm vắc xin, tốc độ phục hồi nhu cầu trên toàn thế giới và tính hiệu quả trong các chi tiêu của chính phủ – thì đến bây giờ thời kỳ khủng hoảng vẫn chưa kết thúc.
Một trong những điều chúng ta đã học được sau 15 tháng qua chính là điều gì cũng có thể xảy ra và việc chuẩn bị cho tất cả các kịch bản là điều bắt buộc. Tuy là các động lực thúc đẩy nền kinh tế như hoạt động xuất khẩu và các chiến lược mở rộng toàn cầu có thể giúp khu vực tiến dần đến sự phục hồi và giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Nhưng với tư cách các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực, chúng ta không thể chỉ trông cậy vào mỗi điều này.
Trên thực tế, hy vọng có thể nằm ở động lực phát triển và nhu cầu từ các thị trường nội địa, cũng như cơ hội đến từ xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra trên thế giới và ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một báo cáo gần đây của Vodafone Business cho thấy chỉ 27% công ty ở khu vực này được cho là đã 'sẵn sàng cho tương lai', cùng lúc đó, gần một nửa số doanh nghiệp có dự định thay đổi mô hình kinh doanh của họ một cách 'đáng kể hoặc toàn diện’ trong năm tới. Ngoài ra, hơn 50% doanh nghiệp cho biết đang đẩy mạnh các chiến lược chuyển đổi số dưới tác động của đại dịch.
Với đặc điểm khu vực có sự đa dạng giữa các nền kinh tế với mức độ phát triển khác nhau, các doanh nghiệp đã nhạy bén triển khai chiến lược mở rộng ra nhiều thị trường ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương chính là những đơn vị đang nắm ưu thế tốt nhất để tận dụng tất cả cơ hội mà khu vực này mang lại trong tương lai.
Hướng về mục tiêu nâng cao vị thế của khu vực như một ‘nhà tiên phong’ trong sự phát triển toàn cầu, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dường như đều đang ấp ủ mong muốn và tìm kiếm cơ hội để tái định nghĩa câu chuyện tăng trưởng, củng cố niềm tin và khẳng định vị thế của nền kinh tế khu vực.
Theo đó, các doanh nghiệp cần cân nhắc đến một số yếu tố khi bắt đầu công cuộc chuyển đổi số và phát triển ra khu vực, đặc biệt liên quan đến việc đảm bảo sự nhạy bén khi mở rộng mô hình kinh doanh.
Chuyển đổi số - chìa khóa đảo ngược diễn biến toàn cầu hóa chậm
Khi thế giới áp dụng các biện pháp khác nhau để hạn chế sự lây lan của đại dịch, điều này đồng nghĩa với việc mở rộng toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp và bất tiện cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn như việc xuất hiện những rào cản chưa từng có về du lịch, thị thực và các vấn đề hành chính khác đang góp phần làm đình trệ quá trình phát triển của hàng loạt doanh nghiệp.
Tuy nhiên, riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương lại không chịu nhiều ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến hành chính được kể trên. Cụ thể như Việt Nam vẫn đang tích cực mở cửa chào đón các doanh nghiệp nước ngoài hướng đến mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Điều này mang lại cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp đang mong muốn xây dựng nên các trung tâm số trong khu vực, đồng thời giúp họ có được một miếng bánh thị phần tại thị trường mới.
Để duy trì chi phí chung ở mức thấp nhất trong suốt quá trình mở rộng tại khu vực, việc hợp tác với một mạng lưới khu vực đủ tính linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng nhanh trong việc mở rộng mà không mất quá nhiều chi phí đầu tư ban đầu sẽ là một biện pháp hiệu quả.
Quá trình chuyển đổi số nhanh chóng đi cùng với sự thúc đẩy đổi mới
Với xu hướng triển khai ứng dụng công nghệ mạnh mẽ và rộng rãi, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành ’ngôi nhà’ của nhiều nền kinh tế kỹ thuật số với tốc độ phát triển nhanh chóng. Có thể kể đến Việt Nam và Indonesia đang phát triển với tốc độ chóng mặt , trong đó Indonesia là quê hương của sáu kỳ lân công nghệ. Hay Singapore và Hàn Quốc hiện đã trở thành những trung tâm số nổi bật trong khu vực.
Nhìn chung, khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện đang mở ra rất nhiều cơ hội thú vị cho các doanh nghiệp, một nơi mà chiến lược ưu tiên thiết bị di động (mobile-first strategies) đang lên ngôi.
Những công ty công nghệ có khả năng ứng biến và tạo dựng chỗ đứng vững chắc ở nhiều quốc gia trong khu vực sẽ gặt hái được nhiều thành quả nhất từ việc chiến lược mở rộng thị trường thị trường này – qua đó phát triển hiệu quả cơ sở khách hàng có nhu cầu chuyển đổi số ở mọi mức độ phát triển số.
Những cơ hội này đang được thúc đẩy hơn nữa nhờ các sáng kiến từ chính phủ ở các nước như Malaysia và Việt Nam. Họ đã thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đồng hành cùng quốc gia thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, qua đó duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
Những nỗ lực đổi mới không ngừng – như cuộc cách mạng vận tải của Grab, hay giải pháp thanh toán số BigPay đã từng làm khuấy động Đông Nam Á – chính là chìa khóa cho tương lai tăng trưởng của các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Có thể thấy, các yếu tố như nghiệp vụ chuyên môn, tính linh hoạt và tốc độ sẽ trở nên cần thiết đối với doanh nghiệp trong quá trình mở rộng quy mô kinh doanh.
Làm thế nào để các doanh nghiệp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở nên "sẵn sàng cho tương lai"?
Ngay cả khi một số nơi trên thế giới đang dần quay lại cuộc sống bình thường, thì chúng ta vẫn phải ghi nhớ rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Ở nhiều nơi trên toàn khu vực, các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội vẫn đang được áp dụng. Điều này đồng nghĩa với việc sự kết nối giữa con người – dưới sự hỗ trợ của công nghệ – sẽ trở nên ngày càng quan trọng để tiến đến thành công.
Các doanh nghiệp cần phải cân bằng giữa hai yếu tố: xem xét các kế hoạch mở rộng quy mô và duy trì chiến lược chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cho tương lai.
Chúng ta không được quên rằng sự hợp tác và kết nối vẫn quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt ở một khu vực có tính đa dạng cao như châu Á. Dựa trên kinh nghiệm mà các thành viên của chúng tôi đã có khi mở rộng đến khu vực này, việc sở hữu một không gian an toàn được trang bị đầy đủ về mặt công nghệ và kết nối là điều rất cần thiết để thành công thiết lập nên các trung tâm số trong khu vực, qua đó nhằm tận dụng được những lợi thế mà khu vực này mang lại.
Samit Chopra - Tổng Giám đốc và Giám đốc vận hành toàn cầu WeWork
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị