Eximbank bố trí cho nhân viên ăn ngủ tại nơi làm việc - Ảnh: P.H
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Eximbank cho biết đã tạm thời ngừng giao dịch hơn 50 chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn và chỉ còn phục vụ khách hàng tại khoảng 30 đơn vị có điều kiện tốt nhất trên địa bàn nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch và bảo vệ sức khỏe cho khách hàng cũng như nhân viên.
"Với những đơn vị còn hoạt động, ngân hàng cũng bố trí "3 tại chỗ". "Việc lựa chọn các đơn vị thực hiện 3T không nhất thiết tại các đơn vị kinh doanh lớn, mà lựa chọn đơn vị phù hợp theo tiêu chí phù hợp giãn cách - bảo vệ cán bộ và tuân thủ yêu cầu giãn cách trong giai đoạn khẩn cấp này của TP.HCM", đại diện Eximbank cho biết.
Trong khi đó HDBank cho hay từ khi xảy ra dịch COVID-19 ngân hàng đã có những phương án dự phòng chống dịch như các quy trình bảo vệ khách hàng, nhân viên tại quầy, làm việc tại nhà, phân tán nơi làm việc, chia thành các ê kíp phòng luân phiên làm việc online và làm tại nhà, xây dựng các kịch bản dự phòng cho các phòng giao dịch, chi nhánh… theo từng khu vực trong trường hợp có khách hàng giao dịch, nhân viên người nhà nhân viên… là F.
HDBank cũng tính cả phương án 3 tại chỗ trước cả khi Chính phủ có quy định, dù theo quy định ngân hàng không phải thực hiện giải pháp 3 tại chỗ như các ngành sản xuất.
Hiện nay, định kỳ 5 ngày/lần, HDBank tổ chức xét nghiệm (test) cho toàn thể cán bộ nhân viên. Những đơn vị, chi nhánh lớn tổ chức test tại chỗ, áp dụng nghiêm ngặt quy trình chuẩn mực, không để nhóm này tiếp xúc nhóm kia và tầng này tiếp xúc tầng kia…
Sacombank cho biết ngân hàng tiến hành khử khuẩn định kỳ cơ sở hạ tầng, tổ chức cho cán bộ nhân viên làm việc luân phiên tại nhà và tại các điểm giao dịch nhằm đảm bảo yếu tố giãn cách nơi công sở.
Riêng hội sở và các điểm giao dịch trọng yếu, nhân sự được bố trí làm việc theo phương án "3 tại chỗ", được trang bị đầy đủ trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết để an tâm công tác và nghỉ ngơi tại văn phòng.
Ngân hàng cũng đảm bảo 100% nhân sự hội sở, các điểm giao dịch tại TP.HCM và các khu vực đang là điểm nóng của dịch bệnh được xét nghiệm nhanh hằng tuần nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Thậm chí, Sacombank đã phối hợp với y tế địa phương để sẵn sàng kịch bản ứng phó khi phát sinh F0 tại khu vực làm việc.
"Hiện hệ thống Sacombank có thể đáp ứng 100% các nhu cầu giao dịch của khách hàng, bao gồm cả giao dịch trực tiếp và online. Chúng tôi cũng chuẩn bị các phương án dự phòng, phương án tiếp quỹ ATM để đảm bảo hoạt động liên tục trong những tình huống khó khăn và nguồn cung tiền mặt thông suốt cho người dân", đại diện Sacombank cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết việc tổ chức "3 tại chỗ" là do các ngân hàng chủ động chứ theo quy định không bắt buộc. Việc này cũng nhằm đảm bảo đủ nhân sự để hoạt động.
Còn theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, do đang áp dụng quy định hạn chế ra đường sau 18h nên nếu không thực hiện "3 tại chỗ" nhân viên ngân hàng phải về trước 17h, không kịp hoàn thành công việc. Phương án này cũng nhằm tránh trường hợp nhiều nhân viên trở thành F0, F1, F2... và ở trong khu vực phong tỏa, ngân hàng không đủ nhân sự làm việc.
Với phương án này và với quy định giãn cách, số nhân viên đi làm cũng giảm. Số nhân sự còn lại được dự phòng trong trường hợp chi nhánh phòng giao dịch có khách hàng F0, F1 đến giao dịch, khi đó ngân hàng sẽ khử khuẩn và thay thế bằng lực lượng mới.
TTO - Liên quan vụ “tiền không phải hàng cấp thiết” ở Ninh Thuận, ông Nguyễn Thành Phú, chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, đã chỉ đạo cơ quan chức năng huyện này kiểm tra và báo cáo cụ thể vụ việc.