- Bài học đắt giá từ vụ sai phạm đất đai ở Khánh Hòa
- Cần giải quyết dứt điểm sai phạm đất đai ở huyện Chương Mỹ
Sai phạm về tài chính, giao đất không qua đấu giá
Theo kết luận thanh tra, Thủ tướng đã có quyết định quy định việc các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cũ phải di dời được phép hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể, nên các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh đã xác định giá chưa sát thị trường.
Từ kết quả thanh tra cho thấy, một số doanh nghiệp khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá đã thu về cho Nhà nước số tiền lớn, như dự án 31 Láng Hạ (514,9 tỉ đồng); 378 Minh Khai (312,9 tỉ đồng)… Một số doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) thu được thấp như các dự án số 1 Phùng Chí Kiên, 365A Minh Khai, 167 Thụy Khuê, 47 Nguyễn Tuân…
Dự án 210 Trần Quang Khải được “điểm tên” trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. |
Dự án tại lô đất C3 là một phần dự án Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, khu đất sạch đã có hạ tầng được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên cơ quan thanh tra phát hiện, năm 2009, UBND TP Hà Nội thu hồi và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không qua hình thức đấu giá. Thanh tra Chính phủ kết luận việc giao đất không qua đấu giá tại dự án trên là vi phạm nhiều quy định pháp luật.
Chưa dừng lại, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với 4 thửa đất thấp tầng ký hiệu C12, C13, C36, C37 của dự án Khu nhà ở và công trình công cộng tại 409 đường Nguyễn Tam Trinh do Tổng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư, khi không đủ điều kiện theo quy định như phần diện tích tăng thêm của mỗi thửa đất là 30m2, ra diện tích đất đường giao thông nội bộ so với quy hoạch tổng mặt bằng do chủ đầu tư chuyển nhượng cho khách hàng nhưng chưa được cơ quan chức năng và thành phố điều chỉnh quy hoạch, chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Tương tự, chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy đã thay đổi mục đích và công năng sử dụng từ thuê đất xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng với diện tích 1.438,5m2 đã được phê duyệt sang giao đất có thu tiền sử dụng đất xây dựng căn hộ chung cư để bán…
Thậm chí, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, việc chuyển nhượng vốn góp của một số nhà đầu tư tại một số dự án sau khi hợp tác đầu tư thực hiện dự án, có phát sinh về thu nhập chuyển nhượng vốn góp nhưng không kê khai hoặc kê khai thiếu, cơ quan thuế chưa tiến hành thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Đoàn thanh tra tạm tính số tiền phải nộp gồm: Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông - dự án tại 147 Nguyễn Tuân là 22.970 triệu đồng; Công ty Thực phẩm miền Bắc - Dự án tại 210 Trần Quang Khải và 17 Tôn Đản là 5.993,45 triệu đồng; Công ty cổ phần dụng cụ số 1 – Dự án tại 108 đường Nguyễn Trãi là 20.363 triệu đồng. Trách nhiệm thuộc về Bộ Xây dựng; UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, UBND quận Hoàng Mai và các chủ đầu tư dự án.
Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận phương án kiến trúc không tuân thủ quy định của pháp luật và Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt.
Thực tế một số chủ đầu tư dự án đã sử dụng các tầng kỹ thuật này vào mục đích kinh doanh làm văn phòng, dịch vụ thương mại và dịch vụ công cộng cho thuê, nhưng chưa được UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng xác định giá thu tiền sử dụng đất, gây thất thu ngân sách nhà nước. Kết quả thanh tra cho thấy, trong số 38 dự án, có 4 dự án chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ quy định.
Tuy nhiên, chỉ có 1 dự án được UBND TP xác định tiền chậm tiến độ (dự án 47 Nguyễn Tuân) với số tiền hơn 13 tỉ đồng. Ba dự án UBND TP không thực hiện gồm: Dự án tại 31 Láng Hạ, 108 Nguyễn Trãi và dự án tại đường Ngụy Như Kon Tum do Tổng Công ty Thành An (Binh đoàn 11 - Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Cơ quan thanh tra còn phát hiện dự án tổ hợp khách sạn, thương mại, văn phòng và nhà ở thấp tầng tại 107 đường Xuân La (quận Bắc Từ Liêm) được chủ đầu tư khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện theo quy định, như chưa được bàn giao hồ sơ mốc giới giao đất tại thực địa, chưa có quyết định phê duyệt thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chưa có giấy phép xây dựng…
Đáng chú ý, tại dự án này, Thanh tra Chính phủ phát hiện Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn Công ty cổ phần Đầu tư An Lộc thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng đối với khu nhà ở thấp tầng của dự án là không phù hợp với quy định pháp luật.
Cơ quan thanh tra kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm trong việc hướng dẫn Công ty cổ phần An Lộc được miễn giấy phép xây dựng công trình không đúng quy định, và việc thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật vượt diện tích sàn xây dựng không phù hợp với phương án kiến trúc được chấp thuận tại dự án 302 đường Cầu Giấy.
Kiến nghị cũng đề xuất UBND TP Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ; chỉ đạo các sở, ngành kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ vì thiếu kiểm tra, đôn đốc, chậm phát hiện xử lý các sai phạm, để xảy ra một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất…
Phát hiện hơn 3.974 tỷ tiền sai phạm Theo kết luận, tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra lần này là hơn 3.974 tỷ đồng. Trong đó, số tiền 403 tỷ tạm tính tiền sử dụng đất do chủ đầu tư tự ý chuyển mục đích sử dụng đất của dự án 302 Cầu Giấy; số tiền gần 90 tỷ đồng tạm tính tiền sử dụng đất bổ sung đối với tầng kỹ thuật do chủ đầu tư một số dự án sử dụng vào mục đích kinh doanh; số tiền 1.462 tỷ đồng tiền sử dụng đất, thuê đất do chủ đầu tư của một số dự án còn nợ đọng; số tiền 488,9 tỷ đồng tiền chậm nộp tiền sử dụng đất do chủ đầu tư của một số dự án còn nợ đọng; số tiền 1.480,3 tỷ đồng tạm tính tiền sử dụng đất của một số dự án phải nộp bổ sung, do UBND TP khi tính tiền sử dụng đất đã đưa một số khoản chi vào xác định không đúng quy định… |