Startup Sky Mavis với tựa game Axie Infinity đã có hành trình hơn 3 năm khởi nghiệp và vừa đạt những thành tựu nhất định, khi coin AXS của họ vừa có vốn hóa trên sàn tiền điện tử hơn 2 tỷ USD. 2 trong những chiến lược giúp startup này có thành tựu sớm như thế là nhờ gầy dựng được team tốt và cộng đồng tốt.
Theo founder Trung Nguyễn, trong cuộc đời khởi nghiệp của mình, anh đã có rất nhiều team, team Sky Mavis chỉ là một trong những số đó. Một startup muốn phát triển nhanh và bền vững, cần có một team tốt thật sự và thật may mắn là Sky Mavis đã có điều đó.
"Tôi gặp 2 co-founder của mình trên internet bởi có cùng sở thích và quan tâm đến game blockchain. Trong thời gian đầu tiên gầy dựng đội ngũ, 2 đứa ở 3 nước, tôi ở Việt Nam – Aleksander Larsen (COO) ở Na Uy và Jeffrey Zirlin (Growth Lead) đang ở Mỹ.
Đồng ý là chúng ta có thể làm việc và giải quyết vấn đề cùng nhau qua online, nhưng để xây dựng một đội ngũ tốt thì không thể. Theo quan điểm của tôi, chỉ sau những cuộc cãi vả thì mọi người trong team mới hiểu nhau hơn và tôi muốn team của mình phải mặt đối mặt cãi nhau – chửi nhau chứ không phải qua màn hình máy tính. Bởi, nhiều lúc chưa gõ xong câu thì cơn tức giận đã chìm xuống, dĩ hòa vi quý thì không thể giải quyết vấn đề và không thể hiểu nhau hơn.
Thế nên, khi bắt đầu chính thức lập nghiệp, tôi đã dụ dỗ - thuyết phục – bắt ép 2 co-founder chuyển hẳn đến sinh sống tại Việt Nam. Hơn nữa, chỉ khi sống trong một môi trường cùng với doanh nghiệp và nhân viên, mình mới biết làm như thế nào là tốt nhất cho tất cả. ‘Nhập gia tùy tục’, bây giờ họ đã biết mặc cả và biết tiết kiệm cho công ty, ví dụ như khi đặt các dịch vụ khác nhau, đã không vung tiền xông xênh theo cách ở Na Uy hay Mỹ - những nước phát triển", Trung Nguyễn bày tỏ.
Ngoài ra, cứ không phải vài người hợp nhau là đã có thể tạo thành một team tốt mà tất cả phải đồng thuận về mặt tâm trí, thật sự thấu hiểu và đồng cảm với nhau; có như thế các thành viên trong team mới bênh vực – giúp đỡ nhau, cùng nhau tiến bộ.
Sự thấu hiểu thông qua những lần mâu thuẫn và tò mò. Bởi mâu thuẫn giúp người ta hiểu rõ nhau hơn và sự tò mò khiến mọi người sẽ đặt mình vào vị thế của người khác, để tự bản thân lý giải vì sao người ta lại có quan điểm – nhận thức như thế, dễ đồng cảm với nhau hơn. Một team tốt phải vừa là bạn vừa là cộng sự.
CEO không chỉ phải biết công việc của mình mà còn biết của các co-founder và nhân viên trong đội, biết công việc cụ thể của ai như thế nào, ai đó đang giải bài toán gì và khó khăn lớn nhất của họ ở đâu… Tất nhiên, vì team của Sky Mavis đang ít người, nên founder 9x này có thể làm như vậy, còn tương lai thì không biết.
Ngoài gầy dựng được 1 team tốt, thì cách mà startup này phát triển cộng đồng của riêng mình cũng rất đáng để các startup về game sau này học hỏi.
Trung Nguyễn - founder kiêm CEO của Sky Mavis.
"Tôi là một người khá kỹ tính trong mọi chuyện, nên trong giai đoạn đầu ra mắt Axie Infinity, không phải khách hàng – người chơi nào đến chúng tôi cũng hoan nghênh. Và với những thành tựu như hôm nay, tôi nghĩ quyết định ban đầu của mình là chính xác, bởi cộng đồng đang là một trong những điểm mạnh nhất của tựa game này", Trung Nguyễn chia sẻ.
Có thâm niên “cày game” từ những năm học phổ thông, Trung Nguyễn thừa hiểu vai trò quan trọng của thành tố cộng đồng với 1 tựa game. Đã là một thành tố quan trọng thì không thể cẩu thả! Văn hóa một công ty sẽ được định hình từ tính cách của những founder và ‘công thần’, văn hóa của một cộng đồng game cũng thế.
Cụ thể hơn, theo lý giải của Trung Nguyễn, những người chơi đầu tiên sẽ đặt nền móng văn hóa cho cả cộng đồng game sau này; nếu những người chơi đầu tiên lành tính, thì họ sẽ là team tạo nên cốt lõi tính cách cộng đồng sau này và chúng ta sẽ có một cộng đồng lành tính. Có thể sau này khi cộng đồng lớn lên, có người gần và xa nhóm người chơi đầu tiên, nhưng văn hóa cộng đồng vẫn giữ được những điều cốt lõi như lành tính.
Team Sky Mavis luôn cho rằng, giao tiếp với game thủ Axie Infinity càng gần càng tốt. Trong thời gian đầu, startup này luôn tự tay trả lời từng câu hỏi của người chơi, nhờ thế họ càng thấu hiểu nhu cầu của game thủ, để không rơi vào tình cảnh tạo ra một cái gì đó mà thị tường không cần. Bằng cách này, Sky Mavis còn muốn lan truyền sự thân thiện của team cho cộng đồng, để cộng đồng biết mình đang chơi game của một team có tính cách như thế nào.
Sau những ngày gieo hạt, giờ Sky Mavis đã gặt quả. Bây giờ, nếu có thành viên nào lên cộng đồng hỏi/thắc mắc điều gì đó, sẽ có người biết đứng ra trả lời, thay vì team Axie Infinity. Có thể người đứng ra trả lời muốn giúp đỡ team làm những việc đơn giản, để team có thời gian hơn tập trung vào việc chính của mình, như phát triển sản phẩm – xây dựng hạ tầng. Team Axie Infinity với cộng đồng của mình có mối quan hệ tin tưởng qua lại, tương hỗ nhau nếu có thể.
"Nếu so sánh với những tựa game ở thị trường ngoài kia, Axie Infinity vẫn là người mới. Sản phẩm hay hệ sinh thái đang trong giai đoạn sơ khai, chưa được trau chuốt và hoàn thiện, chưa nhiều bài toán được giải vì vẫn phải tập trung giải bài toán đưa game lên blockchain. Thế nên, trong tương lai, chúng tôi còn rất nhiều chuyện phải làm", Trung Nguyễn kết luận.
Khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp Sky Mavis, với Trung Nguyễn chính là thiếu vốn, còn sản phẩm với anh không phải vấn đề gì quá lớn. Nếu cho một nguồn vốn và thời gian vô hạn, thì dù ý tưởng tồi đến mức nào, qua thời gian dài tìm hiểu – chỉnh sửa cũng sẽ thành công.
Tuy vậy, với người dùng Việt Nam, hiện việc giao dịch các loại tiền điện tử tại Việt Nam cũng chưa được pháp luật công nhận. Do đó, việc các nhà đầu tư tham gia giao dịch hoặc nạp tiền vào Axie Infinity để "cày coin" hoặc việc đầu tư nhiều tiền để chơi tựa game này đều tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thêm nữa, một loại coin có vốn hóa tăng mạnh trong thời gian ngắn không phải là tín hiệu tốt để đầu tư vì nhiều nguy cơ, lịch sử đã nhiều lần chứng minh điều đó. Ngay cả AXS của Axie Infinity cũng không là ngoại lệ; các game thủ cần được cân nhắc cẩn trọng trước khi xuống tiền.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị