Một lỗi cũng đã là quá nhiều
Trần Thanh Tâm
(KTSG) - Cách đây chưa đầy hai tuần, thanh niên “bánh mì không phải thực phẩm” bỗng trở nên nổi tiếng trên mạng đến nỗi khi nhắc đến anh chẳng cần phải nói gì thêm. Nhưng chỉ ba ngày sau, “bánh mì không phải thực phẩm” đã nhường chỗ cho một câu chuyện khác, bởi lẽ dư luận đã chuyển hướng sang một tình huống mới vừa mang tính thời sự vừa thiết thân hơn với họ: cựu hoa khôi “được tiêm vaccin nhờ ông ngoại”.
Ban đầu tưởng như đây chỉ là những chuyện nhỏ. Nhưng đặt trong bối cảnh cả xã hội Việt Nam đang gồng mình chống đại dịch hiện nay, những tình huống như vậy lại được công luận hết sức quan tâm và nhiều người đã bày tỏ nỗi bức xúc của mình. Bằng chứng là giới chức có thẩm quyền liên quan, kể cả Thủ tướng, đã ngay lập tức lên tiếng. Trong vụ thanh niên “bánh mì không phải thực phẩm”, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã xin việc cho anh. Còn vụ hoa khôi “chích ngừa nhờ ông ngoại”, Bộ Y tế đã vào cuộc và kết luận là cô này nói không đúng sự thật.
Chưa bàn thêm về kết quả trên thực tế như thế nào, những động thái này cho thấy sự cầu thị của những người có trách nhiệm trong thời điểm hiện nay. Vẫn biết “nhân vô thập toàn”, ai cũng có thể mắc lỗi, huống hồ trong tình hình dịch bệnh hoành hành, áp lực và căng thẳng dâng cao. Tuy nhiên, có những vấn đề nguyên tắc mà hai câu chuyện nêu trên là lời nhắc nhở cần thiết.
Trước hết, vấn đề ở đây liên quan đến nguyên tắc ứng xử của chính quyền đối với người dân. Trong trường hợp người thanh niên, vị phó chủ tịch phường tuyên bố “bánh mì không phải thực phẩm” đã hành xử với tâm thế của một người nắm quyền trong tay mà không tính đến tình hình thực tế. Lẽ ra, trong tình huống không có gì cấp bách đó, vị này có thể suy nghĩ thấu đáo hơn để đưa ra một quyết định vừa có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình vừa tránh cho người dân cảm giác họ phải chịu bị xử lý một cách cực đoan. Nếu vậy, đã không xảy ra tình huống lạm quyền khiến công luận bất bình.
Trong vụ hoa khôi, vấn đề thậm chí còn nhạy cảm hơn nữa bởi lẽ nó đụng chạm đến phạm trù công bằng trong xã hội, mà đây là nguyên tắc chúng ta thường bảo với nhau. Cho nên, khi người dân cảm thấy nguyên tắc này bị vi phạm, họ rất bức xúc.
Gần đây, thỉnh thoảng vẫn thấy báo chí chính thống và báo mạng đăng tải tin tức, hình ảnh về những vụ chống đối người thi hành công vụ. Nhưng so với nhiều nước khác, vi phạm như thế không nhiều và mức độ không nghiêm trọng. Đó là do đại đa số người dân vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền. Để thuyết phục dân chúng tuân thủ hoàn toàn các quy định chống dịch, chính quyền các cấp, nhất là các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với họ, cũng cần tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và công bằng cho dân.
Theo người viết, việc toàn dân cùng đóng góp tiền mua vaccin là một hiện tượng độc đáo ở Việt Nam và nên được xem là một cách thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Nhà nước của mình. Đổi lại, nhằm duy trì và nâng cao sự ủng hộ đó, Nhà nước và chính quyền cần bảo đảm nguyên tắc công bằng đối với người dân. Thiết nghĩ, Nhà nước Việt Nam là “nhà nước của dân, do dân và vì dân”, nên nguyên tắc này chắc không cần bàn cãi. Trong tình hình đại dịch hiện nay, ai vi phạm cũng phải được xử lý đích đáng, nhưng cũng cần ngăn chặn tình trạng người thi hành công vụ tùy tiện hành xử theo cảm tính.
Dù chúng ta có nói ngàn lần rằng Nhà nước, chính quyền, bộ máy của chúng ta là để phục vụ người dân cũng không thuyết phục bằng những hành động trên thực tế cho người dân thấy rằng họ đang được tôn trọng và phục vụ.
Cách đây mấy hôm, báo mạng vietnamnet.vn(1) dẫn nguồn hãng tin Bloomberg cho biết nhà chức trách Malaysia đã lên tiếng xin lỗi sau sự cố một người dân nước này bị tiêm một liều vaccin rỗng (không có thuốc), trong đó một nữ y tá thừa nhận do kiệt sức cô đã tắc trách tiêm một ống vaccin rỗng cho một người đến tiêm.
“Ngay cả khi chỉ có một lỗi, đó cũng là quá nhiều”, vị quan chức đại diện Chính phủ Malaysia nói(2).
Câu nói này đáng được chúng ta suy ngẫm ngay cả trong đại dịch.
(1), (2) https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/malaysia-xin-loi-vi-vu-tiem-ong-vac-xin-covid-19-rong-cho-dan-758962.html
Xem thêm: lmth.ueihn-auq-al-ad-gnuc-iol-tom/148813/nv.semitnogiaseht.www