Anh Nguyễn Thanh Duy (quê Quảng Ngãi, hướng dẫn viên (HDV) du lịch) và chị Huỳnh Thị Thùy Dung (quê Đà Nẵng, điều hành tour) vừa chính thức nên duyên vợ chồng sau một buổi lễ nhỏ giữa hai bên gia đình. Dịch COVID-19 kéo dài hai năm nay khiến ngày chung đôi của họ mang nặng nỗi buồn vì thất nghiệp.
Làm shipper, chạy Grab, bán hàng online sống qua ngày
Chị Dung là điều hành tour thị trường khách Hàn Quốc. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, chị rơi vào cảnh thất nghiệp.
“Với tình hình hiện nay thì không biết đợi đến bao giờ mới có việc làm lại. Có khi yên ổn được vài hôm lại bùng dịch. Rất khổ. Tiền bạc dành dụm được đồng nào cũng tiêu cạn rồi. Hai vợ chồng cùng ngành du lịch, mất việc nên càng cực” - chị Dung tâm sự.
Gắn bó nhiều năm trong nghề nhưng giờ anh Lương Quý Châu (HDV tiếng Anh) phải tạm thời bán online hàng nông sản để có tiền lo cho gia đình. “Thất nghiệp từ tháng 4-2020 đến giờ. Vợ chồng trẻ, lại thêm hai con nhỏ nên phải cố xoay xở” - anh Châu nói.
Theo anh Châu, hầu hết HDV đang phải xoay xở mưu sinh trong dịch khi du lịch chưa biết bao giờ mới hoạt động lại. Những người trẻ còn có thể làm việc khác nhưng các HDV lớn tuổi khó tìm việc nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Sau khi mất việc, chị Nguyễn Vũ Quỳnh Như (HDV quốc tế, quê Đà Nẵng) cũng chuyển sang bán hàng online. Chị chia sẻ: “Mình buồn lắm nhưng không làm thì đói. Các bạn mình cũng chạy khắp nơi xin việc, đứa làm shipper, đứa chạy Grab. Nhiều bạn nơi khác tới thì cực lắm vì phải xoay tiền trọ, tiền ăn mà không tìm ra việc mới. Có người phải bỏ về quê sống chờ ngày trở lại”.
Ông Võ Văn Anh (Chủ tịch Hội HDV du lịch TP Đà Nẵng) cho biết tổng số HDV do Sở Du lịch cấp thẻ và quản lý khoảng 4.800 người. Dịch bệnh gần hai năm qua khiến ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn, trong đó lực lượng HDV là những người mất việc đầu tiên.
“Năm nay du lịch chưa biết khi nào hoạt động trở lại nên chúng tôi đã mở các lớp trang bị kỹ năng về các mô hình kinh doanh, kỹ năng phục vụ khách nội địa cho những HDV quốc tế, mở lớp MC tiệc cưới… để mọi người thích nghi” - ông Anh cho hay.
Người lao động đến nhận tiền vay vốn để sản xuất, kinh doanh tại điểm giao dịch trên địa bàn quận Liên Chiểu. Ảnh: HÙNG CƯỜNG
Hàng ngàn hướng dẫn viên có “phao cứu sinh”
Trước những khó khăn của hàng ngàn HDV, UBND TP Đà Nẵng đã tung gói “phao cứu sinh” để hỗ trợ đối tượng này được vay vốn để vượt qua đại dịch và giữ nguồn nhân lực khôi phục lại ngành du lịch sau khi dịch kết thúc.
“Gói cho vay này là một trong những chính sách nhân văn của TP giúp người lao động (NLĐ) ngành du lịch tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay” - ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch danh dự Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng, nhận xét.
Theo đó, UBND TP giao Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP cân đối một phần từ nguồn vốn ngân sách TP đã ủy thác sang, xem xét cân đối một phần từ nguồn vốn trung ương thu hồi nợ cho vay quay vòng để cho NLĐ du lịch vay vốn.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Sở Du lịch rà soát, sàng lọc danh sách lao động du lịch thực sự khó khăn để chuyển NHCSXH TP xem xét cho vay theo đúng quy định.
Theo đó, các lao động ngành du lịch sẽ được vay từ 40 triệu đến 100 triệu đồng với thời hạn vay tối đa 10 năm để duy trì cuộc sống qua dịch và tự tạo việc làm. Qua rà soát, hơn 1.000 lao động du lịch trên địa bàn có nhu cầu vay vốn, giá trị gói vay dự kiến gần 65 tỉ đồng. Tính đến ngày 26-7 đã có 89 người được giải ngân với số tiền gần 5 tỉ đồng.
Vừa được giải ngân khoản vay 50 triệu đồng, chị Quỳnh Như vui mừng: “Số tiền này sẽ giúp mình được phần nào đó vượt qua đại dịch lần này. Hội HDV và ngân hàng chính sách hỗ trợ mình rất nhiều, thủ tục cũng đơn giản, giải ngân nhanh”.
Theo ông Võ Văn Anh (Chủ tịch Hội HDV du lịch TP Đà Nẵng), hiện có khoảng 300 HDV đã đăng ký vay. Với mức vay tín chấp lãi suất ưu đãi, ông tin sẽ giúp các HDV và NLĐ duy trì cuộc sống, giữ chân được nguồn lực du lịch, tránh tình trạng thiếu nhân lực sau dịch bệnh.
“Chúng tôi cám ơn lãnh đạo Đà Nẵng đã lắng nghe tiếng nói của NLĐ trong ngành du lịch. Việc cho vay này rất kịp thời để vượt qua giai đoạn ngặt nghèo này” - ông Anh nói.
Ông Đoàn Ngọc Chung (Giám đốc NHCSXH TP Đà Nẵng) cho biết ngay khi HĐND TP thông qua việc ủy thác vốn sang chi nhánh, đơn vị đã chỉ đạo các phòng giao dịch trực thuộc phối hợp với UBND các phường, xã; hội đoàn thể nhận ủy thác thông tin chủ trương cho vay này đến từng tổ dân phố.
“Hiện đội ngũ 1.770 tổ tiết kiệm và vay vốn sẵn sàng hướng dẫn thủ tục vay vốn, giải ngân trong tháng 7 và tháng 8 này” - ông Chung nói.
“Du lịch Đà Nẵng đứng trước khó khăn chưa từng có” Có thể nói chưa bao giờ các doanh nghiệp du lịch lại đứng trước thách thức to lớn, ảnh hưởng lâu dài, thiệt hại nặng nề như với COVID-19. Chưa thể thống kê chính xác những thiệt hại nhưng ở thời điểm hiện tại đã có khoảng 90% doanh nghiệp không hoạt động, không có khách, không có doanh thu, NLĐ mất việc. Thiệt hại là lớn vô cùng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Ông CAO TRÍ DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng |