Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin (trái) trong cuộc hội kiến riêng với Tổng thống Duterte ngày 29-7 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào với VFA nhưng việc ông Duterte rút lại lệnh hủy thỏa thuận sẽ tạo sự ổn định cho quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines.
"Quyết định (của Tổng thống Duterte) giúp quan hệ hai nước thêm chắc chắn trong tương lai. Giờ đây hai nước có thể thiết lập kế hoạch dài hơi và các hình thức diễn tập quân sự khác", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzna ngày 30-7.
Tổng thống Duterte từng ra lệnh hủy VFA để đáp trả việc Mỹ từ chối cấp thị thực cho một số thượng nghị sĩ Philippines.
Tuy nhiên, mỗi khi đến thời điểm kích hoạt tiến trình hủy bỏ, ông Duterte lại ra lệnh trì hoãn khiến số phận của VFA bị treo lơ lửng suốt một năm qua.
Bộ trưởng Lorenzna thừa nhận ông không biết vì sao Tổng thống Duterte rút lại lệnh hủy VFA. Tuy nhiên về thời điểm, quyết định này được ông Duterte đưa ra sau cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin hôm 29-7.
Philippines là đồng minh có hiệp ước duy nhất của Mỹ tại Đông Nam Á. Sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này năm 1992, VFA trở thành cơ sở pháp lý cho sự hiện diện luân phiên của quân đội Mỹ tại Philippines.
Các học giả và chính trị gia đối lập Philippines cảnh báo việc hủy bỏ VFA sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc lấn lướt trên Biển Đông.
Một số chuyên gia nhắc lại chuyện sau khi Mỹ rút quân, năm 1995, Trung Quốc đã xua quân kiểm soát trên thực thể đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sự kiện này buộc Manila phải quay lại đàm phán và đạt được VFA với Washington năm 1999.
Reuters nhận định việc luân phiên điều động lính Mỹ đến Philippines là rất cần thiết, đảm bảo các cam kết của Washington trong hiệp ước phòng thủ với Manila, và có ý nghĩa về mặt chiến lược trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Austin, trong tháng này đã cảnh báo nếu xảy ra việc Trung Quốc tấn công các lực lượng Philippines trên Biển Đông, điều đó sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ Mỹ - Philippines.
Một số nhà quan sát vẫn còn nghi ngờ về tương lai của VFA trong vòng một năm tới. "Thỏa thuận vẫn có nguy cơ bị đe dọa chừng nào ông Duterte còn làm tổng thống", chuyên gia Aaron Connelly nhận định với Reuters.
Theo quy định hiến pháp Philippines, ông Duterte sẽ không thể tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022. Đảng của đương kim tổng thống đã khuyến khích ông ở lại chính trường bằng cách tái tranh cử ghế phó tổng thống.
TTO - Trong bài phát biểu toàn quốc cuối cùng trước lúc rời nhiệm sở, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte giải đáp câu hỏi liên quan tới cái gọi là “thân Trung Quốc”, cũng như thái độ của ông với phán quyết Biển Đông năm 2016.