Lợi nhuận các tập đoàn công nghệ của Mỹ tiếp tục tăng vọt giữa đại dịch
Khánh Lan
(KTSG Online) – Trong tuần này, các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft, Facebook, Amazon đều ghi nhận mức lợi nhuận tăng vọt trong quí 2 nhờ nhu cầu sử dụng sản phẩm và dịch vụ của họ vẫn tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh.
Lợi nhuận của nhiều “ông lớn” công nghệ Mỹ đạt kỷ lục mới
Hôm 29-7, Tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử Amazon thông báo trong quí 2, doanh thu của tập đoàn tăng 27%, lên 113,1 tỉ đô la, thấp hơn so với hầu hết dự báo của giới phân tích. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của Amazon trong quí lại tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 7,8 tỉ đô la.
Hôm 27-7, Công ty mạng xã hội Facebook báo cáo doanh thu đạt gần 29,1 tỉ đô la trong quí kết thúc vào ngày 30-6, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ sự tăng trưởng bứt phá của mảng quảng cáo trực tuyến với mức phí trung bình trên mỗi quảng cáo tăng 47%.
Lợi nhuận của Facebook trong quí vừa qua cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 10,4 tỉ đô la, cao hơn mức 8,7 tỉ đô la mà các nhà phân tích dự đoán.
Hôm trước đó, Apple, Alphabet, Microsoft cũng báo lãi kỷ lục. Lợi nhuận của Apple trong quí vừa qua (quí 3 theo năm tài chính của Apple) tăng lên mức 21,7 tỉ đô la nhờ doanh số của iPhone 12 và mảng dich vụ tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là mức lãi quí 3 cao nhất trong lịch sử 45 năm của Apple.
Các “ông lớn” công nghệ Mỹ gồm Amazon, Apple, Google, Facebook, Microsoft tiếp tục ghi nhận mức lãi tăng vọt trong quí 2-2021. Ảnh: Reuters |
Apple cho biết doanh số iPhone trong quí gần nhất tăng đến 50%, lên mức 39,6 tỉ đô la. Con số này gây bất ngờ lớn khi Apple chuẩn bị ra mắt các mẫu iPhone mới vào tháng 9 tới và các tín đồ iPhone thường chờ đến sự kiện này mới nâng cấp iPhone. Doanh số iPhone suy giảm trong những năm gần đây khi thị trường điện thoại thông minh có xu hướng bão hòa nhưng đại dịch Covid-19 dường như đã làm thay đổi điều đó.
Alphabet ghi nhận trong quí 2, tập đoàn này đạt mức doanh thu 61,8 tỉ và mức lợi nhuận 18,5 tỉ đô la, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu mảng quảng cáo từ Google của Alphabet tăng đến 69% lên mức 50,44 tỉ đô la. Những con số này đều là kỷ lục mới của Alphabet.
Trong khi đó, doanh thu của Tập đoàn Microsoft trong quí vừa qua (quí 4 theo năm tài chính của Microsoft) tăng 21%, lên mức 46 tỉ đô la, còn lợi nhuận tăng 47%, lên mức 16,5 tỉ đô la. Mảng dịch vụ điện toán đám mây Azure của Microsoft gây ấn tượng với mức tăng trưởng doanh thu 51%.
Tính chung cả năm tài chính 2021, Microsoft lãi 61,27 tỉ đô la trên tổng doanh thu 168,09 tỉ đô la, đều là các kỷ lục mới trong lịch sử của tập đoàn này.
Tiếp tục được hưởng lợi nhờ đại dịch
Lợi nhuận của các tập đoàn công nghệ Mỹ tăng vọt lên các mức cao bất ngờ khi kinh tế toàn cầu đang dần thoát ra khỏi cuộc khủng đại dịch Covid-19, vốn là được xem là yếu tố xúc tác dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu sử dụng sản phẩm và dịch vụ số của các “ông lớn” công nghệ này.
Tính trung bình, trong quí 2, Apple, Alphabet và Microsoft lãi 5 tỉ đô la mỗi tuần. Lợi nhuận ròng tổng cộng 56,8 tỉ đô la của họ trong quí vừa qua cao gần gấp đôi so với cùng kì năm trước và cao hơn 30% so với dự báo của các nhà phân tích ở Phố Wall.
Jim Tierney, nhà quản lý danh mục đầu tư ở Công ty AllianceBernstein, nói những con số này gây sửng sốt và cho thấy thị trường quảng cáo trực tuyến đang nóng khi các nhà quảng cáo chạy đua để bám theo một lượng người tiêu dùng khổng lồ đang chuyển sang sử các dịch vụ trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh.
Ông nói: “Tôi cho rằng thói quen sử dụng các dịch vụ trực tuyến, vốn tăng lên trong 12 tháng qua, sẽ tiếp tục duy trì ngay cả khi đại dịch Covid-19 qua đi”.
Khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn để lướt internet trong thời kỳ dịch bệnh, các doanh nghiệp bán lẻ tìm cách săn đón họ bằng cách quảng cáo sản phẩm trên Google Search hay YouTube.
Tom Johnson, Giám đốc số hóa của Công ty truyền thông và tiếp thị WPP Mindshare, nhận định Alphabet được hưởng lợi khi các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng cáo ở các kênh số hóa trong thời kỳ dịch bệnh
Microsoft cho hay sự cải thiện doanh thu của mảng điện toán đám mây Azure là nhờ các dịch vụ liên quan đến tiêu dùng. Microsoft là một trong những công ty được hưởng lợi lớn nhất khi các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng dịch vụ trên đám mây trong thời kỳ dịch bệnh.
Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, cho biết kết quả kinh doanh khởi sắc của công ty ông do sự tăng vọt trong mức chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ công nghệ hồi đầu năm ngoái không phải là hiện tượng nhất thời mà sẽ tiếp tục kéo dài bền vững khi các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi số hóa các hoạt động của họ.
“Chi tiêu cho công nghệ chiếm 5% GDP toàn cầu và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong thời gian tới” ông Nadella nói.
Ngay cả các vấn đề về chuỗi cung ứng, đặc biệt là tình trạng thiếu chip bán dẫn, vốn gây áp lực cho các công ty khắp toàn cầu trong năm nay, cũng không làm suy giảm khả năng cải thiện doanh thu của các công ty công nghệ.
Tính tổng cộng, Apple, Alphabet và Microsoft tạo ra mức doanh thu 189,4 tỉ đô la trong quí vừa qua, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 15 tỉ đô la do với dự báo của chuyên gia kinh tế ở Phố Wall.
Đối mặt làn sóng chỉ trích mạnh mẽ hơn
Các nhà chính trị và các cơ quan quản lý trên thế giới đang tìm cách kiểm soát quyền lực của các tập đoàn công nghệ Mỹ. Mức lợi nhuận phình to có thể càng khiến họ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ hơn.
Samir Jain, Giám đốc chính sách ở Trung tâm Dân chủ và Công nghệ ở Washington, Mỹ nói rằng các con số lợi nhuận mới nhất cho thấy “những công ty công nghệ này đang nắm giữ sức mạnh lớn chi phối mọi mặt của cuộc sống chúng ta. Chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ trong hầu như tất cả mọi mặt từ thương mại, công việc cho đến ngôn luận, giải trí, tin tức do tác động của đại dịch Covid-19. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi chứng kiến các công ty kinh doanh khởi sắc”.
Khi được hỏi liệu kết quả kinh quanh quá tốt có khiến Apple hứng chỉ trích mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý, Giám đốc tài chính Apple, Luca Maestri, cho biết: “Chúng tôi tập trung làm những gì đúng đắn cho khách hàng và người dùng của chúng tôi”.
Đối mặt với sự chỉ trích ngày càng lớn, các công ty công nghệ tìm cách nhấn mạnh rằng họ đã hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp ứng phó với các thách thức của đại dịch nhiều như thế nào.
Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Alphabet, cho biết công ty ông đã chi trả số tiền kỷ lục cho các nhà sáng tạo nội dung ở nền tảng YouTube và những trang web thứ 3 chạy quảng cáo của Google.
Philipp Schindler, Giám đốc kinh doanh của Google, nói: “Chúng tôi đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp lớn nhỏ vượt qua các thay đổi sâu sắc. Trước hết, chúng tôi cung cấp cho họ chiếc phao cứu sinh trong suốt thời kỳ dịch bệnh và giờ đây, với tư cách là đối tác, chúng tôi giúp họ tái thúc đẩy tăng trưởng khi thế giới bắt đầu mở cửa trở lại”.
Trong khi đó, Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple ám chỉ đến nỗ lực đầu tư của công ty ông để cải thiện các vấn đề công bằng chủng tộc, giáo dục, nhà ở giá rẻ cũng như hỗ trợ “phản ứng toàn cầu trước đại dịch”.
Theo Financial Times, New York Times