Sáng 30-7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng chống dịch COVID-19.
TP.HCM đã có những quyết định kịp thời, đa dạng chống dịch
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với những khó khăn và thách thức của nhân dân TP.HCM khi phải trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng.
Chủ tịch nước cũng biểu dương các lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch đã cống hiến hết sức mình để bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho nhân dân. Đặc biệt, hệ thống chính trị ở cơ sở đã làm việc ngày đêm, vận động người dân tuân thủ phòng chống dịch, chăm lo cho người dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM
Theo Chủ tịch nước, lãnh đạo TP.HCM đã có những quyết định kịp thời, đa dạng, phong phú để phòng chống dịch bệnh, nỗ lực đưa TP sớm trở lại trạng thái bình thường. Trong đó có việc cứu trợ kịp thời, hỗ trợ cần thiết cho người dân vượt qua khó khăn.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao việc TP.HCM đã xây dựng mới 16 bệnh viện dã chiến với quy mô lớn, tổng số giường bệnh có thể lên tới gần 50.000 giường. Các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn TP và các bệnh viện tư nhân cũng được huy động vào công tác điều trị, đó là sự nỗ lực và đồng hành rất lớn và các địa phương, bộ ngành đã quan tâm hỗ trợ TP.HCM trong thời gian qua.
Bộ Y tế đã huy động trên 10.000 cán bộ y tế, sinh viên ngành y dược phối hợp với TP.HCM. “Hình ảnh người dân các địa phương trong cả nước gom góp từ mớ rau, quả trứng, từ đồng tiền, hạt gạo với tình cảm thân thương chia sẻ với TP.HCM làm cho ai cũng phải xúc động. Nghĩa cử ấy rất đáng trân trọng, thể hiện văn hóa, truyền thống của người Việt Nam” – ông nói.
Nhấn mạnh đến mục tiêu trong phòng chống dịch, Chủ tịch nước cho rằng quan trọng nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, giảm tối đa số ca tử vong do COVID-19, là mục tiêu trước hết, trên hết.
“Chúng ta có tỷ lệ tử vong thấp, nhưng tính mạng của người dân thì không cho phép xảy ra việc đó. Cần tập trung mọi nguồn lực để giảm thiểu việc này” – ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Chủ tịch nước, các quyết sách, chỉ đạo đã đủ, vấn đề cốt lõi là tổ chức thực hiện. Cốt lõi của Chỉ thị 15 và 16 là giãn cách, Chỉ thị 16 đã nêu rõ người cách ly với người, nhà cách ly nhà, khu phố cách ly khu phố, tỉnh cách ly với tỉnh. Cần rút kinh nghiệm sâu sắc việc chậm giãn cách mật độ dân cư khi đường phố còn đông. Bởi theo ông, thực hiện giãn cách không nghiêm, không kiên quyết thì không giải quyết được vấn đề.
TP.HCM cần tập trung tài lực, nhân lực, vật lực cho điều trị
Tại cuộc họp, một lần nữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc TP.HCM tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa là cần thiết.
Để đảm bảo việc giãn cách được nghiêm túc trong thời gian dài, ông cho rằng cần chăm lo hỗ trợ người nghèo không thiếu đói, không được để dân đói, dân ốm mà không được chăm sóc.
Trao 30 máy thở của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM
TP cần đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm tới tận tay người dân, tổ chức bán lưu động không để ai phải thiếu đói là một yêu cầu quan trọng hiện nay. Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền về việc để dân đói, đói cơm lạt muối, cùng cực xảy ra ở địa phương mình. Phải kỷ luật nghiêm những người vô trách nhiệm.
Cũng theo Chủ tịch nước, ngoài Tổ COVID-19 cộng đồng, TP.HCM cần có thêm bác sĩ tư vấn tại chỗ, mỗi khu phố nên có một số bác sĩ tư vấn cho người dân, tổ chức đường dây nóng hiệu quả tham gia giải đáp người dân. “Không để tình trạng người dân gọi điện tới mà không có người chuyên môn trả lời, hoặc trả lời không thỏa đáng khiến người dân hoang mang” – ông yêu cầu.
Về điều trị, Chủ tịch nước yêu cầu không được để tình trạng người bệnh nặng, báo tin mà không được chính quyền và y tế cơ sở quan tâm. Không được để người ốm mà không được chăm sóc.
“Chiến lược chúng ta đưa ra là tập trung điều trị, khác với việc nhà đang cháy mà chúng ta chỉ lo chữa người bị bỏng. Ở đây, chúng ta không chỉ lo người bỏng mà còn lo dập lửa, hai việc song trùng: vừa lo điều trị, vừa lo phòng chống dập dịch. Từ đó giảm số người bệnh, giảm số người tử vong” – ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo ông, vấn đề lớn hiện nay của TP.HCM là tập trung tài lực, nhân lực, vật lực cho điều trị. Trong đó tầng 5 điều trị ca nặng cần chủ động không để thiếu máy thở, thiếu oxy trong bệnh viện. Đồng thời, đa dạng hóa các giải pháp quản lý F0 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ.
Đối với vấn đề tiêm vaccine, Chủ tịch nước cho rằng cần triển khai nhanh, nếu chậm là có lỗi với nhân dân. Ông nói Đảng và Nhà nước, ngành y tế tiếp tục tập trung vaccine cho TP.HCM. Vì vậy, TP phải tận dụng thời gian cách ly xã hội để tiêm vaccine an toàn cho người dân.
Ông đề nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét sớm cấp phép cho vaccine nội địa của Việt Nam vì đây là vấn đề cấp bách. Bởi, vaccine Nano Covax đã tiêm thử nghiệm cho 14.000 người, thử nghiệm giai đoạn 3 và cho kết quả tốt.
Cuối cùng, ông đề nghị TP.HCM cần có phương án phục hồi sản xuất, tái thiết mạnh mẽ đồng bộ sau dịch COVID-19. “Sau cơn mưa trời lại sáng. Một vùng biển lặng không tạo ra được những thủy thủ giỏi giang, vùng biển động sóng dữ sẽ tạo ra những con người giỏi giang để lèo lái con thuyền” – Chủ tịch nước nói và tin rằng TP.HCM sẽ cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Chủ tịch nước đã tặng cho TP.HCM 103 tỉ đồng và 30 máy thở.
TP.HCM triệt để thực hiện Chỉ thị 16+, không để “cháy lan” Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã ghi nhận, tiếp thu các chỉ đạo toàn diện của Chủ tịch nước và sẽ chuyển hóa thành các việc làm cụ thể. Trong đó, tinh thần là khi ứng phó với đại dịch, phải bình tĩnh, cân nhắc mọi tác động trong từng phương án, từng quyết định và luôn đặt tính mạng và sức khỏe của người dân lên trên hết cũng như tính đến sức khỏe, sức sống của nền kinh tế TP và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Nên cho biết sẽ cố gắng, nỗ lực. Với những biện pháp đã và đang chuẩn bị, TP.HCM có niềm tin là sẽ vượt qua, thành công trong phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, TP.HCM triệt để thực hiện Chỉ thị 16, cũng có thể là 16+. TP cố gắng tối đa không để dịch bệnh lây lan, không để “cháy lan”. Đặc biệt, là phải cứu người, hạn chế tối đa tử vong bằng các điều kiện, phương tiện, lực lượng mà Bộ Y tế, các bệnh viện lớn của Trung ương đã có mặt, sẵn sàng chia lửa, tạo mọi điều kiện cho TP.HCM. |