Trước đó, cách đây ít ngày, tại cửa ngõ ra, vào Thủ đô, tình trạng ùn tắc diễn ra trong nhiều giờ, phương tiện nối đuôi nhau kéo dài nhiều km, thậm chí còn làm gia tăng khả năng lây nhiễm do lượng người ùn tắc là rất lớn.
Hôm nay, giao thông đã thông thoáng hơn. Một phần là do chủ phương tiện và lái xe đã chấp hành nghiêm chỉnh hơn các quy định về giãn cách xã hội, đã tìm đường khác để lưu thông; mặt khác cũng là nhờ một văn bản mới được Chính phủ ban hành, cho phép các phương tiện có thẻ nhận diện với mã QR không phải kiểm tra khi đi qua các trạm kiểm soát dịch COVID-19.
Không còn cảnh ùn tắc tại các cửa ngõ Thủ đô
Khu vực chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại trạm thu phí Pháp Vân - Ninh Bình khá thông thoáng. Hình ảnh cả đoàn phương tiện nối đuôi nhau chờ đến lượt qua trạm như những ngày đầu Hà Nội thực hiện kiểm soát phương tiện ra vào thành phố để phòng chống dịch không còn tái diễn. Như vậy, các lái xe không phải mất thời gian chờ đợi làm thủ tục để đi qua chốt và điều đó cũng khiến việc vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn.
"Mấy ngày trước rất phức tạp. Đường vành đai này là trục chính, nếu em đi Lạng Sơn, em phải vòng xuống tận Hưng Yên, Hải Dương rất vất vả. Nhà nước đã cấp cho mình mã code này đi thuận tiện hơn nhiều", lái xe Trần Đình Khoa cho hay.
Những xe không có thẻ nhận diện hoặc thẻ hết thời hạn, chở các loại mặt hàng không trong danh mục cấm sản xuất kinh doanh cũng sẽ được qua chốt sau khi thực hiện khai báo y tế và có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính còn thời hạn.
các phương tiện có thẻ nhận diện với mã QR không phải kiểm tra khi đi qua các trạm kiểm soát dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Tuy nhiên những chiếc xe nếu chỉ đi qua, không vận chuyển hàng đến Hà Nội cũng vẫn phải quay đầu. Để không gây ùn ứ tại chốt, cảnh sát giao thông đã có phương án phân làn cụ thể.
"Để phục vụ tối ưu cho xe luồng xanh lưu thông, chúng tôi đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải cắm biển làn dành riêng cho xe luồng xanh ở 2 đầu chốt. Khi phương tiện tiếp cận vào chốt có thể đi trên làn đường đó, khi qua chốt lực lượng kiểm soát sẽ kiểm tra nhanh chóng và dễ dàng", Trung tá Phạm Quang Minh, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, cho biết.
Trong quá trình kiểm tra xác suất, cảnh sát giao thông đã bắt gặp một số trường hợp trên xe chở thêm 1 - 2 người, trong khi để đăng ký cấp thẻ nhận diện chỉ yêu cầu lái xe có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính. Không ít trường hợp giấy xét nghiệm của những người trên xe đều đã hết hạn. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác hậu kiểm và xử lý vi phạm tại bến bãi xếp dỡ hàng theo quy định, tránh phát sinh những trường hợp lợi dụng cơ chế thông thoáng đảm bảo lưu thông hàng hóa vi phạm các quy định về phòng chống dịch.
Như vậy, Chính phủ và các Bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên các doanh nghiệp vận tải cũng như các lái xe cần có ý thức chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch.
Đẩy nhanh cấp mã QR vận chuyển hàng hóa trên luồng xanh
Muốn lưu thông nhanh chóng, không bị ùn tắc tại các trạm kiểm soát, các lái xe phải hết sức lưu ý thẻ nhận diện với mã QR còn hiệu lực. Phần mềm đăng ký cấp mã này đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai từ gần 2 tuần trước. Số lượng doanh nghiệp vận tải đăng ký rất lớn trong thời gian này đang tạo ra nhiều áp lực cho các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhiều giải pháp đang được triển khai ngay để đẩy nhanh việc cấp mã QR cho vận chuyển hàng hóa.
Nghẽn mạng, bị treo máy, không vào được phần mềm đăng ký cấp thẻ nhận diện, doanh nghiệp không nộp được hồ sơ. Tình trạng này diễn ra khá thường xuyên.
"Những ngày đầu cực kỳ khó khăn, vào toàn bị treo. Chúng tôi đăng ký, gửi đi 2 ngày nhưng không nhận được phản hồi. Không có giấy đó việc vận chuyển hàng hóa sẽ bị ùn tắc", ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty vận tải Mạnh Tùng, TP Hà Nội, chia sẻ.
Một trong những nguyên nhân của sự chậm trễ này được xác định là do hệ thống bị quá tải. Khi Hà Nội chính thức áp dụng giãn cách, các doanh nghiệp dồn dập đăng ký. Mỗi ngày, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tiếp nhận từ 10.000 - 15.000 hồ sơ.
Bên cạnh đó, việc khai báo thông tin về mặt hàng vận chuyển khi đăng ký cấp thẻ nhận diện cũng được thay đổi. Doanh nghiệp không phải khai báo chủng loại hàng hóa, mà chỉ cần tích vào chủng loại hàng theo 3 nhóm được qui định của Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố hoặc mặt hàng của những đơn vị sản xuất không phải dừng hoạt động.
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện trước khi qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch. (Ảnh: QĐND)
Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện cũng đã chuyển toàn bộ dữ liệu và hệ thống phần mềm kiểm tra, phê duyệt cấp thẻ nhận diện phương tiện đến cụm server của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này không chỉ duy trì tính ổn định mà còn hạn chế các cuộc tấn công vào hệ thống.
Bộ Công Thương kiến nghị danh mục hàng hóa cấm lưu thông
Cũng với quan điểm việc vận chuyển lưu thông hàng hóa là huyết mạch của nền kinh tế, chống dịch nhưng cũng đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, Bộ Công thương vừa kiến nghị đưa ra danh mục hàng hóa "cấm lưu thông", thay vì liệt kê danh mục "hàng hóa thiết yếu" chỉ được phép lưu thông.
Với kiến nghị này, chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa cấm lưu thông theo quy định của pháp luật, ví dụ như vũ khí, ma túy, các sản phẩm văn hóa đồi trụy...; các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp "thẻ xanh" để lưu thông trên địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở các địa phương khác nhau, nên các biện pháp áp dụng chống dịch cũng cũng khác nhau. Mặc dù kiểm soát dịch là cần thiết, nhưng sự khác biệt trong phòng chống dịch quá lớn sẽ dẫn tới ùn tắc lưu thông hàng hóa và con người. Các cơ quan chức năng đang nỗ lực đưa ra các giải pháp cho tình trạng này.
VTV.vn - Phó Thủ tướng yêu cầu các chốt kiểm soát dịch không kiểm tra xe có giấy nhận diện QR Code trên tất cả tuyến đường cao tốc, quốc lộ... trên cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!