TPHCM sẽ tăng số lượng kênh phân phối, điểm bán hàng hóa
Chánh Trung
(KTSG Online) – TPHCM sẽ tìm cách tăng số lượng kênh phân phối và điểm bán để tiếp tục cung ứng hàng hóa đến với người dân, đồng thời thực hiện phát phiếu mua hàng thiết yếu.
TPHCM sẽ tìm cách tăng số lượng kênh phân phối hàng hóa cho người dân ngoài các siêu thị, chợ còn hoạt động. Ảnh: Lê Vũ |
Tăng điểm bán, kênh phân phối
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương thông tin tại buổi họp báo trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TPHCM vào chiều 30-7, hiện nay các địa phương đang vào mùa thu hoạch, nguồn hàng dồi dào, cần tiêu thụ. Thế nhưng việc vận chuyển từ các địa phương về TPHCM lại đang gặp khó khăn, dẫn đến việc tại TPHCM bị thiếu hụt một số mặt hàng.
Sở Công Thương TPHCM sẽ tổ chức bán hàng lưu động tại một số điểm thực sự khó khăn, người dân không được cung ứng hàng hóa kịp thời. Sở đã tăng đầu xe bán hàng lưu động lên gấp đôi, ngày mai 31-7 có khoảng 50 xe và sắp tới dự kiến tăng lên 100 xe để hỗ trợ cho các quận – huyện. |
Về việc này, các bộ ngành, địa phương đã có các chỉ đạo để điều chỉnh, giải quyết, tuy nhiên mức chi phí vận chuyển vẫn còn cao, dẫn đến giá cả hàng hóa cao hơn so với trước đây.
Vấn đề lớn nhất của TPHCM là số lượng kênh phân phối và điểm bán để cung ứng và đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa cho người dân. Trên địa bàn TPHCM hiện có 27/239 chợ đang hoạt động, chủ yếu ở vùng ven, ngoại thành, các chợ nội thành hầu như ngưng hoạt động. Áp lực mua sắm của người dân dồn lên kênh phân phối hiện đại.
Mặc dù các hệ thống siêu thị đã tăng thời gian hoạt động từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm, nhưng do việc tăng cường thực hiện giãn cách nên các siêu thị chỉ được hoạt động từ 6 giờ sáng đến 17 giờ chiều, thời gian mua sắm của người dân ít lại, một số địa bàn có lượng điểm bán ít và dân cư đông dẫn đến cung ứng hàng hóa gặp khó khăn.
Trước tình hình này, Sở Công Thương đề xuất tăng cường xây dựng các phương án mở lại điểm bán lương thực thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch. Với mô hình mẫu đang triển khai, Sở Công Thương đánh giá đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Do đó, Sở đang đôn đốc các quận huyện triển khai theo mô hình thí điểm này.
Trường hợp các chợ không đủ điều kiện mở lại thì sẽ tổ chức điểm bán ở khu vực lân cận. Địa phương hỗ trợ tham gia, sử dụng lực lượng tiểu thương ở các chợ; Sở Công Thương hỗ trợ giới thiệu nguồn hàng để tăng cường lượng hàng hóa tại các điểm bán hiện nay.
Một số hệ thống phân phối có thể bổ sung nguồn hàng bằng xe 2 bánh, các quận, huyện hỗ trợ sử dụng các phương tiện thích hợp để tiếp nhận hàng hóa từ các hệ thống phân phối đưa về cho người dân.
Đồng thời, chuyển đổi phương thức bán hàng, trước đây bán hàng trực tiếp và phát phiếu mua hàng cho người dân thì hiện nay sẽ thực hiện đăng ký mua hàng trước thông qua giỏ hàng trên các app của siêu thị.
Triển khai hướng dẫn thực hiện “phiếu mua hàng thiết yếu”
Ngày 30-7, Sở Công Thương TPHCM có văn bản gửi UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện, ban giám đốc siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đơn vị quản lý chợ truyền thống về hướng dẫn thực hiện “phiếu mua hàng thiết yếu”.
Nhằm kiểm soát, phân chia, điều phối số lượng người đến chợ và phục vụ việc truy xuất thông tin, hỗ trợ công tác phòng chống dịch nhanh chóng, hiệu quả, trước đó Sở Công Thương đã hướng dẫn thực hiện phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực thông qua việc áp dụng “thẻ ra vào chợ”.
Tuy nhiên, tình hình triển khai tại các quận huyện không đồng bộ theo từng địa bàn; chưa có cơ chế kiểm tra việc thực hiện và chưa bảo đảm khống chế lượng khách ra - vào điểm bán phù hợp; một số nơi còn tình trạng tập trung đông người và phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh.
Sở Công Thương lưu ý, “điểm bán” được đề cập tại hướng dẫn bao gồm các loại hình như chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu... |
Vì vậy Sở Công Thương TPHCM đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị quản lý điểm bán trên địa bàn rà soát quy mô dân số, số lượng điểm bán hàng hóa, lương thực, thiết bị thực hiện tại khu vực. Chủ động làm việc với hệ thống phân phối trên địa bàn như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh, hàng hóa, lương thực, thực phẩm, chợ truyền thống.
Để từ đó đánh giá khả năng, số lượng hàng hóa cung ứng, năng lực phục vụ hàng ngày và có phương án phân bổ tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của dân trên địa bàn sao cho phù hợp, thuận tiện cho việc đi lại, mua sắm.
Tiến hành phân chia tần suất đến các “điểm bán” hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thông qua việc phát “phiếu mua hàng thiết yếu” cách 2-3 ngày/lần cho người dân. Riêng trong các khu phong tỏa, các địa phương thông tin đến người dân về việc mua thực phẩm thiết yếu tại siêu thị/chợ trong khu vực phong tỏa với tần suất 2 lần/tuần, sử dụng "phiếu mua hàng thiết yếu" do chính quyền địa phương cấp.
Theo đó, mỗi hộ dân chỉ cử một người đại diện mua hàng hóa thiết yếu tại các điểm bán theo khung thời gian, địa điểm cung ứng phù hợp. Trong trường cần thiết phải mở rộng khu vực người dân mua hàng trên cơ sở bảo đảm tính hợp lý về mật độ dân cư, số lượng và năng lực cung ứng dụng của điểm bán, có sự linh động trong lựa chọn các điểm bán tại khu vực cư trú để tạo thuận tiện cho người dân.
Đối với ban giám đốc siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đơn vị quản lý chợ truyền thống cần cung cấp thông tin đầy đủ về khả năng cung ứng, năng lực phục vụ hàng ngày cho chính quyền địa phương. Để từ đó phối hợp và có phương án phân bổ tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của người dân trên địa bàn phù hợp, thuận tiện. |
Mời xem thêm:
TPHCM không kiểm tra xe chở hàng hóa thiết yếu
TPHCM tiếp tục bổ sung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân
Sở Công Thương TPHCM khẳng định hàng hóa thiết yếu không bị thiếu hụt
Xem thêm: lmth.aoh-gnah-nab-meid-iohp-nahp-hnek-gnoul-os-gnat-es-mchpt/289813/nv.semitnogiaseht.www