Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê Ngân hàng Nhà nước (NHNN), doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ tuần từ 12 đến 16/7 bằng VND đạt xấp xỉ 727.848 tỷ đồng, bình quân 145.570 tỷ đồng/ngày, tăng 1.660 tỷ đồng/ngày so với tuần 05 - 09/7/2021; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 162.494 tỷ đồng, bình quân 32.499 tỷ đồng/ngày, tăng 3.147 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (78% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 01 tuần (11% tổng doanh số giao dịch). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 01 tuần với tỷ trọng lần lượt là 67% và 26%.
Về lãi suất, đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần dao động nhẹ quanh mức lãi suất tuần trước tại các kỳ hạn dưới 1 tháng và thay đổi nhiều hơn tại các kỳ hạn trên 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm và 01 tuần giữ các mức lần lượt là 0,93%/năm và 1,14%/năm, trong khi kỳ hạn 01 tháng tăng 0,1%/năm lên mức 1,46%/năm.
Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần dao động nhẹ so với tuần trước. Cụ thể, lãi suất một số kỳ hạn chủ chốt như 1 tuần và 1 tháng cùng giảm 0,01%/năm xuống mức 0,11%/năm và 0,23%/năm, trong khi kỳ hạn qua đêm không thay đổi, giữ mức 0,1%/năm.
Về việc lãi suất liên ngân hàng tăng, ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng tăng cường mua trái phiếu Chính phủ có thể đã khiến thanh khoản căng thẳng cục bộ, dẫn đến lãi suất liên ngân hàng tăng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng chủ động cho vay ngay từ những tháng đầu năm, tuy nhiên tình hình huy động lại không được như mong muốn, nên đã có những khó khăn nhất định về thanh khoản. Thiếu thanh khoản thường là các ngân hàng nhỏ. Do vậy, các ngân hàng này tập trung vay vốn trên thị trường liên ngân hàng.
Thực tế trước đây, nếu các ngân hàng có hai kênh hỗ trợ thanh khoản từ cơ quan quản lý Nhà nước là kênh thị trường mở OMO và việc mua vào ngoại tệ của NHNN, thì hiện nay NHNN đã chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn, khiến việc bơm tiền đồng để hỗ trợ thanh khoản thông qua động thái mua vào ngoại tệ cũng bị hạn chế khá nhiều.
Diễn biến trên cho thấy việc lãi suất liên ngân hàng tăng thời gian qua chủ yếu mang yếu tố thời vụ do sự thiếu thanh khoản cục bộ ở một số ngân hàng, không phản ánh toàn hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng hiện vẫn khá dồi dào.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ ổn định trở lại. Trong trường hợp nhu cầu tín dụng tăng quá thấp, NHNN nhiều khả năng còn phải hút bớt tiền về thông qua các công cụ điều hành, chỉ để một lượng vừa đủ nhằm tránh áp lực lạm phát. Việc kiểm soát vĩ mô tốt đã tạo điều kiện cho lãi suất duy trì ở mức thấp, phục vụ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng như người dân.
Các chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI nhận định, tín dụng tăng trưởng mạnh giai đoạn vừa qua đã khiến thanh khoản các ngân hàng thương mại bớt dư thừa… Nguồn cung VND trên liên ngân hàng vẫn rất ổn định, đặc biệt sẽ có một lượng tiền đồng lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn được thực hiện trong tháng 7 và tháng 8 tới. Do vậy, SSI cho rằng chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý 3/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc./.
Xem thêm: lmth.82750000042210202-et-hnik-nen-ohc-cul-pa-oat-oc-gnat-gnah-nagn-neil-taus-ial/nv.semitaer