vĐồng tin tức tài chính 365

Câu chuyện vaccine: Nơi dùng không hết, nơi tìm không ra

2021-07-31 08:03

Từ khi vaccine ngừa COVID-19 bắt đầu xuất hiện, nhiều nước giàu đã đặt mua số lượng nhiều hơn mức đủ để tiêm cho dân nước mình. Trong khi đó, sáng kiến COVAX (cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine ngừa COVID-19) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm thúc đẩy công bằng vaccine toàn cầu đang bị thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.

Hiện các nước giàu đã phủ sóng tiêm chủng tương đối đủ rộng thì dịch phần nào tạm ổn. Trong khi đó tình hình dịch ở các nước nghèo, thu nhập thấp chưa có đủ vaccine ngày càng báo động. Thực tế này khiến bức tranh phân bổ vaccine lại nhận được nhiều sự chú ý.

Câu chuyện vaccine: Nơi dùng không hết, nơi tìm không ra - ảnh 1
Vaccine ngừa COVID-19 được chuyển tới đảo quốc Maldives (thuộc Nam Á) thông qua chương trình COVAX. Ảnh: UNICEF/UN NEWS

Nước giàu “đẩy”, bỏ vaccine sát hạn sử dụng

Theo thông tin từ báo Wall Street Journal thì Israel đầu tháng này đã chuyển 700.000 liều vaccine của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) sang Hàn Quốc và đây là vụ trao đổi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới.

Hàn Quốc mới nhận được hơn 20% trong tổng 192 triệu liều đặt mua và chỉ mới phủ sóng một liều cho khoảng 1/3 dân số, rất nóng lòng có được vaccine để chặn làn sóng dịch đang bùng mạnh trong nước. Đó là lý do Hàn Quốc nhận lô vaccine gần hết hạn từ Israel, đổi lại, Hàn Quốc sẽ chuyển giao số liều vaccine (hạn mới hơn) mình nhận được sau đó từ các bên bán cho Israel.

Số vaccine này về tới Hàn Quốc khi hạn dùng tốt nhất còn trong vòng một tuần và được nhanh chóng phân phối tiêm trong vòng 1-2 ngày, theo lời một số quan chức y tế Hàn Quốc.

Trước khi bắt tay với Hàn Quốc thì Israel đã tìm cách “đẩy” 700.000 liều vaccine này cho chính quyền Palestine ở Bờ Tây từ giữa tháng 6, lúc đó hạn sử dụng của số vaccine này còn khoảng một tháng, theo đài RT. Tuy nhiên, chính quyền Bờ Tây sau đó thay đổi ý định với lý do hạn dùng của lô vaccine này “đã quá gần”.

Theo nhiều chuyên gia y tế, nhiều chính phủ tới đây sẽ tham khảo và có khả năng sẽ làm theo mô hình của Israel và Hàn Quốc nhằm phần nào khắc phục tình trạng thiếu, chờ vaccine.

Tại Mỹ, tình trạng vaccine phải bỏ vì quá hạn do không dùng kịp cũng không hiếm. Theo đài Fox24News dẫn thông tin từ Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh bang Michigan thì bang này hiện có 262.000 liều vaccine của Johnson & Johnson hạn dùng chỉ còn khoảng hai tuần nữa và có nguy cơ phải bỏ vì không sử dụng kịp. Ngoài ra, bang Michigan còn một lượng lớn vaccine của Pfizer/BioNTech và của Moderna sẽ hết hạn trong tháng tới. Bang Connecticut (Mỹ) thời điểm ngày 16-6 đã bỏ hơn 1.600 liều vì quá hạn.

Tại Canada, báo The Canadian Press cho biết ngày 15-7, nhà chức trách y tế một số tỉnh cho biết họ phải hủy một số lượng vaccine của AstraZeneca hết hạn ngày 1-7. Chẳng hạn, Ontario hủy gần 3.200 liều, Prince Edward Island hủy 3.200 liều, New Brunswick hủy gần 1.000 liều. Thời hạn sử dụng cho lượng vaccine này theo nguyên gốc là ngày 1-6 nhưng đã được Bộ Y tế Canada kéo dài thêm một tháng để đỡ lãng phí nhưng cũng không thể sử dụng hết.

Theo lịch đặt hàng thì Canada sẽ nhận 95 triệu liều tổng cộng hai loại vaccine của Pfizer/BioNTech và của Moderna vào cuối tháng 9. Ít nhất 20 triệu liều trong số này vượt quá số Canada cần để chủng ngừa đủ hai liều cho toàn bộ 100% dân số nước này. Theo The Canadian Press, tính trung bình, số vaccine Canada đặt mua tới 10 liều cho mỗi người dân.

Nước nghèo chờ từng liều từ COVAX

Moderna và Pfizer/BioNTech là các bên đầu tiên ra mắt vaccine công nghệ mRNA. ĐH Oxford của Anh ra mắt một loại vaccine với nền tảng truyền thống hơn và được tỉ phú Bill Gates giới thiệu làm đối tác với hãng dược AstraZeneca. Ngày 30-4, AstraZeneca nhận trách nhiệm sản xuất và phân phối toàn cầu vaccine do ĐH Oxford phát triển, hứa sẽ bán giới giá “một vài đôla/liều”. Chỉ trong vòng vài tuần sau đó, Mỹ và Anh đã ký với AstraZeneca các thỏa thuận đặt mua tổng cộng tới 400 triệu liều.

Dựa vào cam kết từ các nước giàu có vốn sở hữu thị trường khổng lồ, từ nhiều tháng trước khi vaccine của mình chính thức được phê duyệt, các công ty phương Tây như Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca đã sản xuất một lượng lớn. Những liều vaccine này được chuyển đến châu Âu và Bắc Mỹ và một số nước nhỏ như Israel, vốn đã bỏ tiền đặt trước.

Tới hàng tháng sau COVAX mới có tiền để đi ký hợp đồng mua vaccine thì lúc này đã đứng cuối hàng, phải chờ tới lượt. Sau đó COVAX đã hy vọng có thể nhận được nguồn vaccine của AstraZeneca sớm hơn khi loại vaccine được sản xuất ở Ấn Độ. Tuy nhiên, điều này đã không thành khi Ấn Độ hứng làn sóng dịch khủng khiếp và phải dành vaccine cho mình.

Thời điểm cuối tháng 2, khi tỉ lệ tiêm chủng ở Anh đạt 27%, ở Mỹ đạt 13%, ở EU đạt 5% thì ở châu Phi chỉ mới 0,23%. Hiện nhiều nước giàu đã phủ sóng tiêm chủng rộng, chẳng hạn Canada tính tới giữa tháng 7 đã tiêm chủng ít nhất một liều cho hơn 69% dân số, với 47% đã được tiêm hai liều. Trong khi đó tại châu Phi chỉ mới khoảng 3% dân số châu lục được tiêm ít nhất một liều, tỉ lệ dân được tiêm hai liều chỉ 1,4%. Chẳng hạn tỉ lệ chủng ngừa ở Sierra Leone tính đến ngày 20-6 chỉ mới 1%. Haiti thì ngày 15-7 chỉ mới nhận được lô 500.000 liều đầu tiên sau hàng tháng được hứa hẹn, để tiêm cho dân số hơn 11 triệu người.

WHO cho biết hơn một nửa số nước nghèo trông chờ vaccine từ COVAX đang trong tình trạng không đủ lượng vaccine để tiếp tục tiêm chủng trong nước. COVAX đặt mục tiêu phân phối 2 tỉ liều vào cuối năm nay (trong đó phân phối cho châu Phi 520 triệu liều) nhưng đến thời điểm giữa tháng 7 chỉ mới phân phối được 118 triệu liều.

Ngày 12-7, TS Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO đề nghị Pfizer và các nhà sản xuất vaccine khác nên tập trung sản xuất và cung cấp cho các nước chưa có đủ vaccine tiêm cho dân, thậm chí mũi đầu tiên, chứ không nên ưu tiên cung cấp vaccine cho các nước thu nhập cao để tiêm liều tăng cường. Ông Tedros kêu gọi khẩn thiết rằng Pfizer và cả Moderna cần ưu tiên cung cấp vaccine cho các nước thu nhập thấp qua COVAX.

Trước đó, Pfizer thông báo mình có ý định đề nghị Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiêm liều thứ ba tăng cường cho dân Mỹ đã tiêm đủ hai liều quá sáu tháng, nhằm bảo đảm sức miễn dịch. Trước mắt FDA và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chưa ủng hộ phương án này.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng muốn dập được đại dịch trên toàn cầu cần phủ sóng tiêm chủng cả thế giới, chứ không chỉ từng quốc gia, nếu các nước nghèo tiêm chủng ít và chậm thì dịch vẫn có thể lan lại vào các nước giàu. TS Tedros cảnh báo các nước như Canada, Mỹ hay nhiều nước phương Tây khác cần nhớ đại dịch vẫn chưa kết thúc. Lời cảnh báo này càng đáng lưu tâm trong bối cảnh biến thể nguy hiểm Delta hoành hành, gây bùng dịch và tăng cao số nhiễm - chết ở hàng loạt khu vực. Chẳng hạn, thời điểm ngày 15-7, WHO thông báo số ca tử vong ở châu Phi tăng 43% chỉ trong một tuần.•

Nó như một nạn đói mà “những người giàu nhất giữ chặt lấy thợ làm bánh”, theo lời ví von của ông STRIVE MASIYIWA - đặc phái viên châu Phi về tìm mua vaccine. 
 

Các nước giàu chìa tay với COVAX

Các nước G7 hứa đóng góp cho COVAX 850 triệu liều, so với 11 tỉ liều mà WHO nói cần thiết để chấm dứt đại dịch. Phần lớn số vaccine G7 hứa sẽ chưa có cho tới năm 2022.

Thông tin khả quan là từ tháng 9, COVAX sẽ có thêm nguồn cung vaccine, khi Ấn Độ khôi phục xuất khẩu sau thời gian dành vaccine cho nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, Mỹ đã cam kết tài trợ 500 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech cho COVAX vào năm 2022, tăng so với con số 60 triệu liều đã hứa ban đầu.

Canada đã thông báo có kế hoạch quyên góp toàn bộ các lô vaccine của AstraZeneca mình đặt trước nhưng chưa tới lịch giao (khoảng 17,7 triệu liều) cho COVAX. Một thông tin đáng lưu ý, kênh Channel News Asia dẫn lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 16-7 cho biết đảo quốc này cũng sẽ đóng góp vaccine thông qua COVAX.

 

Xem thêm: lmth.6784001-ar-gnohk-mit-ion-teh-gnohk-gnud-ion-eniccav-neyuhc-uac/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Câu chuyện vaccine: Nơi dùng không hết, nơi tìm không ra”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools