Chốt kiểm soát COVID-19 tại An Giang kiểm tra xe hàng hóa đi TP.HCM - Ảnh: BỬU ĐẤU
Không chỉ có thương lái thu mua lúa gạo, các tỉnh miền Tây còn giao thương, mua bán nhiều hàng hóa khác nên cần có trao đổi, thống nhất phương án thực hiện, tránh mỗi nơi thực hiện một cách, tàu ghe không thông nhau.
Ông TRẦN VĂN LÂU (chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng)
Ngành giao thông vận tải một số địa phương vừa đề nghị chính quyền các tỉnh trong khu vực có chính sách phối hợp, thống nhất kiểm tra nhanh thông qua quét mã QR hoặc xem xét miễn kiểm tra hoặc chỉ kiểm tra xác suất đối với các phương tiện được cấp thẻ nhận diện, nhằm đảm bảo các phương tiện lưu thông thông suốt.
Tạo điều kiện tối đa cho tiêu thụ nông sản
Ông Lê Hữu Toàn, phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho biết việc thu hoạch lúa trên địa bàn đã thuận lợi hơn, với diện tích thu hoạch được khoảng 93.000/283.000ha lúa hè thu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là năng lực thu mua của các doanh nghiệp có hạn, không thể len lỏi đi từng ấp, từng xã như các thương lái.
"Chúng tôi đã huy động đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên, rồi kết nối với các doanh nghiệp, các địa phương để tìm mọi cách tiêu thụ nông sản cho bà con. Giá lúa, tôm, cua, cá chắc chắn phải chịu giảm ít nhiều, nhưng tiêu thụ được trong tình hình này đã mừng rồi", ông Toàn nói.
Theo ông Lê Việt Bắc, giám đốc Sở GTVT Kiên Giang, để gỡ khó cho người đi thu mua nông sản, ngành giao thông đã có đăng ký nhận diện phương tiện bằng mã QR.
"Biết là khó, nhưng vì chống dịch phải chấp hành thôi. Người lái xe, chạy ghe mua lúa qua chốt chỉ cần trình giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ. Nếu hết hiệu lực, sẽ được hỗ trợ test nhanh tại chỗ cho đi tiếp" - ông Bắc nói.
Trong khi đó, ông Võ Văn Chiêu, giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng, cho biết ngoài việc vận động các doanh nghiệp địa phương, Sóc Trăng còn kết nối với các địa phương khác, tạo điều kiện tốt nhất để thu mua lúa của nông dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được tạo điều kiện tiếp cận vốn, mở rộng kho, hệ thống sấy…
"Tuy nhiên, nếu tìm được thương lái và thỏa thuận được giá, người dân nên bán, đừng chần chừ đợi giá, tránh gặp mưa gió thêm rủi ro", ông Chiêu khuyến cáo.
Ông Trần Văn Lâu, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cũng cho biết đã chỉ đạo Sở GTVT khẩn trương hướng dẫn chủ tàu, ghe vận chuyển hàng hóa đường thủy đăng ký thẻ nhận diện cho phương tiện ưu tiên hoạt động, mở "luồng xanh" cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy.
"Vụ hè thu này mà tiêu thụ lúa khó khăn, bán không được giá cao sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người dân. Do vậy, phải tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa hoạt động thuận lợi", ông Lâu chia sẻ.
Sẽ được hỗ trợ nếu gặp khó tại chốt kiểm soát
Ghi nhận của chúng tôi cũng cho thấy tình trạng ùn ứ các loại xe vận tải hàng hóa ở các chốt kiểm soát tại Tiền Giang, Bến Tre… không còn căng thẳng như những ngày trước đó, sau khi các địa phương triển khai nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh cấp mã QR ưu tiên hoạt động phân "luồng xanh" cho các phương tiện vận tải.
Một lãnh đạo Sở GTVT Bến Tre cho biết cơ quan này đã có văn bản hướng dẫn cụ thể để được hoạt động thuận lợi hơn trên "luồng xanh".
Theo đó, những xe hoạt động trên "luồng xanh" phải in thẻ nhận diện phương tiện kèm theo mã QR lên giấy (khổ A5) để dán trên kính phía trước và in lên giấy (khổ A4) để dán thêm lên kính hai bên cửa xe nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, các đơn vị vận tải, lái xe phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đã đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động.
Ông Nguyễn Chí Thiện, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho biết do tình hình dịch phức tạp, việc lưu thông hàng hóa chắc chắn sẽ gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, doanh nghiệp và thương nhân muốn đến Long An thu mua nông sản cũng đừng "tự lo lắng nghĩ là không thể lưu thông được".
Trong thực tế, sở đã nhận được rất nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Long An về việc "có thể đến các huyện Đồng Tháp Mười thu mua lúa được không?".
Và các thương nhân này đều được giải đáp là hoàn toàn được nếu doanh nghiệp tuân theo các quy định về vận tải mà Chính phủ đã quy định chung.
"Tôi nhắc thêm họ các giấy tờ hợp lệ khi di chuyển như giấy xét nghiệm âm tính… và Sở NN&PTNT cũng chủ động liên hệ đến các địa phương thông báo trước cho các doanh nghiệp vào địa bàn thu mua lúa.
Đa số hiện nay đều nghi ngại việc vận chuyển, nhưng trên thực tế chưa gặp những vướng mắc khi lưu thông qua các chốt kiểm soát. Nếu có, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình cho doanh nghiệp ngay", ông Thiện nói thêm.
Chỉ kiểm tra tại điểm giao nhận hàng
Theo văn bản vừa được UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành, các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trong phạm vi tỉnh Vĩnh Long không cần cấp thẻ nhận diện (mã QR).
Các đơn vị chỉ được phép kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19 của tài xế, nhân viên nghiệp vụ đi cùng phương tiện tại các điểm giao nhận hàng hóa.
Đặc biệt, không kiểm tra phương tiện trên đường để đảm bảo không ùn tắc giao thông trên tuyến. Với phương tiện chưa kịp dán giấy nhận diện "luồng xanh", các chốt kiểm soát kiểm tra giấy chứng nhận âm tính COVID-19 còn hạn trong 72 giờ, phải cho phương tiện tiếp tục lưu thông khi đầy đủ thủ tục.
TTO - Tổng cục Đường bộ vừa tiếp tục có văn bản đề nghị các sở giao thông vận tải hướng dẫn đơn vị vận tải trong việc đăng ký thẻ nhận diện phương tiện có mã QR để đi lại trên “luồng xanh”.
Xem thêm: mth.87755203203701202-nas-gnon-ohc-hnax-gnoul-iohk-yat-neim/nv.ertiout