Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho một người đàn ông tại điểm tiêm chủng ở sân vận động London, Anh - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, nhóm các chuyên gia về virus và dịch tễ học nổi tiếng từ ĐH Hoàng gia London, ĐH Birmingham và Cơ quan Y tế công cộng Anh đã soạn thảo tài liệu có tựa đề "Vắc xin sẽ có hiệu quả bảo vệ trước COVID-19 bao lâu?".
Ngày 30-7, các nhà khoa học nói trên đã gửi tài liệu này tới đội ngũ Nhóm cố vấn khoa học của chính phủ cho các trường hợp khẩn cấp (SAGE) của Anh xem xét, trong đó đề nghị tiếp tục tiêm vắc xin trong vài năm tới.
"Khả năng vắc xin tạo miễn dịch với SARS-CoV-2 và ngăn bệnh tiến triển nặng của vắc xin sẽ suy yếu theo thời gian. Do đó chiến dịch tiêm chủng ngừa SARS-CoV-2 có thể phải diễn ra trong nhiều năm tới", tài liệu của nhóm khoa học gia lưu ý.
Hiện Anh đang sử dụng các vắc xin COVID-19 của Oxford/AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna trong chiến dịch tiêm chủng của nước này.
Nhóm khoa học cho biết dữ liệu thực tế cho thấy những vắc xin này có hiệu quả bảo vệ 95% với biến thể Alpha vốn thống trị ở Anh vào đầu năm 2021.
Họ hy vọng vắc xin vẫn duy trì hiệu quả cao trong việc ngăn bệnh tiến triển nặng, nhưng cho biết hiệu quả phòng ngừa COVID-19 và bệnh nặng có thể giảm theo thời gian.
Theo họ, các thông tin từ Anh và Israel, những nước đã triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng từ sớm, đã củng cố giả thiết đó.
Trong một báo cáo riêng với Chính phủ Anh hôm 22-7, các nhà khoa học cho biết có một "khả năng thực tế" là các biến thể mới có thể xuất hiện gây bệnh nặng hơn và có khả năng "lẩn tránh" các vắc xin hiện có.
Bên cạnh đó, kể từ khi xuất hiện biến thể Delta (lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ), Bộ Y tế Israel đã hai lần ghi nhận việc giảm hiệu quả của vắc xin trong phòng bệnh. Israel cũng là nước đầu tiên triển khai tiêm liều bổ sung cho người trên 60 tuổi đã tiêm đủ hai liều.
Trong một diễn biến khác, WHO ngày 30-7 cảnh báo thế giới đang đứng trước nguy cơ đánh mất những thành tựu rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống COVID-19 vì biến thể dễ lây lan Delta.
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom GHebreyesus, số ca COVID-19 đã tăng 80% trong bốn tuần qua tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Số ca tử vong tại châu Phi, với chỉ 1,5% dân số châu lục được tiêm chủng, cũng tăng 80% trong cùng giai đoạn.
"Các thành tựu khó khăn mới đạt được đang bị đe dọa hoặc đang mất đi, và hệ thống y tế ở nhiều nước đang quá tải" - ông Tedros thêm.
Cho tới nay, WHO nhận định biến thể Delta đã lan rộng ra 132 quốc gia và trở thành biến thể thống trị toàn cầu.
TTO - Delta đang cho thấy đó là biến thể mạnh nhất, nguy hiểm nhất và dễ lây nhất trong số các biến thể SARS-CoV-2. Biến thể này đang làm tăng số ca 'nhiễm đột phá' (đã tiêm vắc xin nhưng vẫn nhiễm bệnh) ở nhiều nước.
Xem thêm: mth.43393029013701202-man-iav-gnort-91-divoc-nix-cav-meit-cut-peit-nac-hna/nv.ertiout