Hai tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng vừa kết nối trực tuyến với Hà Nội liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã/phường 1 sản phẩm) nhằm hỗ trợ nông dân trong mùa dịch Covid-19.
Đại diện các hợp tác xã ở tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng đã giới thiệu về sản phẩm của đơn vị mình và mong muốn liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.
Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 5.300 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Trong đó, huyện Châu Thành chiếm hơn 3.600 ha trồng nhãn.
Đồng Tháp còn có rất nhiều nông sản khác cần kết nối tiêu thụ như: Khoai lang, lúa, xoài,… Ngoài ra, có 160 sản phẩm OCOP của tỉnh từ 3 sao đến 4 sao đang có nhu cầu kết nối tiêu thụ.
Tại tỉnh Sóc Trăng, diện tích trồng nhãn toàn tỉnh hơn 3.100 ha, đang cho trái hơn 2.500 ha. Thời gian thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12 với sản lượng khoảng 24.000 tấn.
Riêng tại An Giang, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cũng đã có văn bản gửi đến các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng đặc trưng huyện Châu Phú.
Đây là sản phẩm được cấp mã truy xuất nguồn gốc và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Võ Quốc Thanh, Giám đốc hợp tác xã TMDV Du lịch nông nghiệp Khánh Hòa, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ nhãn xuồng cơm vàng của bà con nông dân trên địa bàn.
Theo ông Thanh, ngay sau khi được sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối tiêu thụ, hợp tác xã đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các tỉnh, thành khác hỗ trợ hơn 5 tấn nhãn xuồng cơm vàng.
Được biết, hợp tác xã Khánh Hòa với diện tích khoảng 90 ha, hiện đang cho trái và bắt đầu vào vụ thu hoạch, với sản lượng ước đạt gần 500 tấn, bình quân thu hoạch từ 3 - 5 tấn/ngày. Thời gian thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9/2021.
Thanh Lâm