Chợ đầu mối phía Nam Hà Nội phong tỏa do có ca mắc COVID-19 - Ảnh: A.CƯỜNG
Sáng 31-7, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) họp trực tuyến với TP Hà Nội về tình hình sản xuất nông nghiệp và nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm trong điều kiện COVID-19.
Khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội - cho biết nhu cầu tiêu dùng gạo 1 tháng của người dân TP là 92.970 tấn, TP đáp ứng được 65,6%, cần cung cấp từ bên ngoài TP 39,4%.
Với thịt heo, bò, gà, trứng… TP đáp ứng được khoảng 90% đến đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Về rau củ, mỗi tháng TP tiêu thụ khoảng 103.000 tấn, TP mới chỉ đáp ứng được 65% tổng nhu cầu và cần cung cấp từ bên ngoài khoảng 35%.
Theo ông Sơn, hiện tình hình sản xuất nông nghiệp của TP tương đối ổn định. Khó khăn chủ yếu ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là từ các tỉnh thành về Hà Nội.
"Tiếp tục có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thống nhất UBND các tỉnh thành cách thức lưu thông, thực hiện cấp nhanh nhất các mã QR code cho các xe vận tải khi thực hiện giãn cách xã hội đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu..." - ông Sơn đề nghị.
Đã tính đến các tình huống xấu hơn
Bà Nguyễn Phương Lan - quyền giám đốc Sở Công thương - cho biết dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng đến nay không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ dù sức mua tăng khoảng 30%, hàng hóa vẫn đảm bảo đủ cho người dân.
Tuy nhiên, trong tình huống xấu, số lượng F0 tăng cao, các địa phương cung ứng thực phẩm cũng phải giãn cách thì việc vận chuyển nông sản từ các địa phương về Hà Nội có thể khó khăn.
Do đó, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tập kết hàng hóa về các kho ở Hà Nội để chủ động hàng hóa, đồng thời giao cho các quận, huyện chủ động nguồn hàng hóa theo phương châm 4 tại chỗ.
Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng đến nay không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ dù sức mua tăng khoảng 30% - Ảnh: PHẠM TUẤN
"Chúng tôi đề nghị tổ công tác của Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo một cách đồng bộ giữa các tỉnh với nhau để đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong tình huống xấu hơn, tránh tình trạng ách tắc cục bộ như các tỉnh phía Nam" - bà Lan nói.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao việc Hà Nội chuẩn bị rất kỹ với các kịch bản khác nhau trong các tình huống dịch và đề nghị TP cần duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, đặc biệt chăn nuôi, nếu không duy trì 2-3 tháng tới sẽ đứt gãy.
"Với hơn 400 cơ sở chế biến, Hà Nội cần tính toán phương án '3 tại chỗ' phải đảm bảo an toàn để tránh lây nhiễm COVID-19, dẫn tới phải tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm.
Đồng thời, cần chuẩn bị kỹ các phương án duy trì hoạt động các chợ đầu mối để tránh việc đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản như 3 chợ đầu mối ở TP HCM" - ông Tiến nói.
Ngày 30-7, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan ra quyết định thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phía Bắc trong điều kiện dịch COVID-19. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm tổ trưởng.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các tỉnh phía Bắc tổ chức rà soát cụ thể tình hình sản xuất, nhu cầu lương thực thực phẩm, đánh giá tình hình tiêu thụ các loại nông sản chính tại địa phương theo từng tháng từ nay đến cuối năm 2021.
Cập nhật thông tin khó khăn, vướng mắc hằng tuần trong thời gian địa phương thực hiện áp dụng chỉ thị 16.
TTO - Hà Nội vừa thống nhất mẫu giấy tờ sử dụng cho một số trường hợp đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn TP trong thời gian giãn cách xã hội. Theo đó, quy định rõ mẫu giấy đi đường và các trường hợp được di chuyển trong địa bàn TP lúc giãn cách.
Xem thêm: mth.79282751113701202-ohc-cac-o-gnah-nab-tek-pat-meid-cac-ohn-aihc-ion-ah/nv.ertiout