Năm 2021, diện tích trồng nhãn tại Đồng Tháp khoảng 5.340ha, sản lượng ước tính hơn 53.000 tấn. Hiện nay, giá nhãn không chỉ giảm mà đầu ra của loại trái cây này cũng đang rất khó tìm nơi tiêu thụ. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa bàn bị phong tỏa, cách ly khiến việc vận chuyển nhãn đang gặp nhiều khó khăn tại các trạm kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch.
Đồng hành cùng Đồng Tháp, hai doanh nghiệp bưu chính lớn của Việt Nam là Vietnam Post và Viettel Post chủ động kết nối các doanh nghiệp, hộ trồng nhãn trên địa bàn tỉnh với các hệ thống siêu thị, đối tác của mình để tiêu thụ nhãn. Đặc biệt hai đơn vị cũng tổ chức tiêu thụ nhãn và các nông sản qua kênh bán hàng trực tiếp và sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Vỏ Sò.
Hai đơn vị đặt mục tiêu hỗ trợ người dân tiêu thụ khoảng 4.000 tấn nhãn, tương đương 7,5% sản lượng nhãn toàn tỉnh.
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách nên việc tiêu thụ nhãn qua sàn TMĐT đang được 2 doanh nghiệp đặc biệt chú trọng. Với kinh nghiệm hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều những ngày qua Vietnam Post và Viettel Post đã hỗ trợ hơn 120 hộ gia đình, nhà cung cấp đưa nhãn lên sàn Postmart.vn và Vỏ sò.
Ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, nhân viên Bưu điện sẽ hướng dẫn người dân cách lên sàn qua các kênh số. "Chúng tôi linh hoạt trong việc hướng dẫn cho người dân đưa sản phẩm lên sàn. Tùy từng đối tượng, tùy từng thói quen sử dụng các nền tảng, nhân viên Bưu điện có thể livestream hoặc sử dụng zalo, FaceTime để hướng dẫn nhà cung cấp", Ông Lê chia sẻ.
Đặc biệt, hai sàn Postmart.vn và Vỏ Sò đều cung cấp cẩm nang, tài liệu hướng dẫn dạng hình ảnh từ cách mở gian hàng, chụp hình sản phẩm, nhập thông tin mô tả, cách theo dõi, chấp nhận khi có đơn hàng đến cách đóng gói, bảo quản thuận lợi nhất cho quá trình vận chuyển cho bà con có thể dễ dàng thực hiện theo. Nhân viên các sàn sẽ hỗ trợ người dân 24/7 trong việc hướng dẫn đưa nhãn lên sàn.
Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc sàn TMĐT Vỏ Sò chia sẻ về việc bảo quản nhãn: "Nhãn là loại quả mất nước nhanh và dễ hỏng vì lớp vỏ mỏng. Chúng tôi đã hướng dẫn người nông dân cách đóng gói nhãn ngay sau khi thu hoạch. Việc đầu tiên là phải nhanh chóng chọn lọc, loại bỏ các quả nứt hay sâu bệnh, rồi bó lại thành chùm, đưa vào thùng xốp với một lớp vải ẩm ở trên để giữ trọn độ tươi ngon của sản phẩm. Sau đó, bưu tá Viettel Post sẽ đến nhận các thùng nhãn tại vườn để đem đi tiêu thụ."
Ông Võ Trường Phi, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải và Hội nông dân tỉnh để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ nhãn xuồng. Chỉ tính riêng ngày 29/7, chúng tôi đã tiêu thụ 3,5 tấn nhãn tại 24 điểm bán hàng bình ổn giá. Trên sàn Postmart.vn, chúng tôi đã phân chia các sản phẩm nhãn xuồng thành các combo 10kg, 15kg, 20kg để thuận tiện vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng."
Là hai doanh nghiệp bưu chính được phép hoạt động và lưu thông trong luồng "ưu tiên đặc biệt", Vietnam Post và Viettel Post cũng chuẩn bị nhiều phương án vận hành.
Đại diện Viettel Post cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều phương án logistics, thậm chí tiến hành thay đổi luồng vận hành, đầu tư thêm xe lạnh, tăng tuyến trên các điểm đầu mút vận chuyển, điều hành lại các tuyến xe hàng ra vào theo luồng mới, đảm bảo khử khuẩn đầy đủ trước và sau khi ra khỏi tỉnh nhằm hỗ trợ tối đa việc tiêu thụ cho bà con cũng như đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Hiện nay đang có một số tỉnh thành đang áp dụng các biện pháp siết chặt, không cho phép xe lưu thông trong một số khung giờ khiến luồng logistics bị thay đổi. Để đảm bảo chất lượng nhãn, Viettel Post đã phối hợp cùng người dân thay đổi khung giờ thu hái, tập trung gom đơm tại các tỉnh thành lân cận để rút ngắn thời gian vận chuyển, giao hàng."
Không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, cả hai "ông lớn" ngành bưu chính cũng đang tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng để kết nối các hoạt động xúc tiến thương mại, trước mắt hướng đến việc xuất khẩu nhãn xuồng và các mặt hàng thế mạnh của Đồng Tháp, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh thành miền Nam đến Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ, Úc,… theo hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới.
Với việc đưa nhãn nói riêng và nông sản Việt nói chung lên sàn thương mại điện tử, Vietnam Post và Viettel Post không chỉ góp phần hỗ trợ giải bài toán tiêu thụ trước mắt mà còn tạo dựng thêm một kênh bán hàng hiệu quả và bền vững hơn trên nền tảng số, nơi mỗi người nông dân có thể tự làm chủ gian hàng số của riêng mình, hướng đến việc dần thay đổi phương thức kinh doanh, xa hơn nữa là chuyển đổi số nông thôn.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế