Với lượng thí sinh thi vẽ đông, giám khảo phỏng vấn trực tuyến cũng rất hùng hậu - Ảnh: V.T.
Theo ông Tuấn, thi trực tiếp sẽ công bằng hơn khi thí sinh cùng thể hiện năng lực vẽ trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên hình thức thi này chỉ đánh giá dựa trên bài vẽ, giám khảo không khai thác được thêm những năng lực, kỹ năng khác của thí sinh.
Với thi trực tuyến, thí sinh vẽ và gửi bài về trước cho trường. Điều này có thể dẫn đến sự không công bằng khi thí sinh có thể có sự trợ giúp, thời gian làm bài mỗi thí sinh khác nhau.
Do đó, trường quyết định điểm bài vẽ chỉ chiếm 30%, điểm phỏng vấn trực tuyến chiếm 70% tổng điểm bài thi để xét tuyển. Điều này giúp đánh giá năng lực thực sự của thí sinh công bằng và chính xác hơn.
"Trong ngày thi phỏng vấn, giám khảo hỏi và nhiều thí sinh đã thể hiện hết khả năng của mình, khai thác được thêm nhiều thông tin về năng lực, đam mê cũng như sự sáng tạo của thí sinh trong quá khứ và hiện tại. Nghệ thuật là sáng tạo, cần đam mê và thời gian" - ông Tuấn nói.
Những tình huống dở khóc dở cười
Tuy vậy, hình thức phỏng vấn trực tuyến này cũng có không ít chuyện bi hài. Chẳng hạn, khi giám khảo yêu cầu "show" bức vẽ dự thi, một thí sinh luống cuống chạy đi tìm. Một lúc sau thí sinh quay lại và thảng thốt "mẹ em bán ve chai hết rồi!".
Một thí sinh khác cho biết mình rất thích những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới, điển hình tháp Eiffel. Giám khảo hỏi công trình này ở đâu? Thí sinh nhanh nhảu trả lời... ở nước Anh.
Cũng trong bài thi vẽ, khi giám khảo hỏi thí sinh thích ăn loại mì tôm nào nhất và thiết kế bao bì của nhãn hàng nào thích nhất, một thí sinh trả lời thích loại mì tôm H.
Giám khảo hỏi thí sinh đánh giá thế nào về thiết kế bao bì của sản phẩm này. Thí sinh thiệt thà nói không biết, chỉ thấy "loại mì đó ngon"...
TTO - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều trường đại học đã tạm hoãn, dời lịch thi hoặc thay đổi hình thức thi năng khiếu.