TPHCM: khi nhiều shipper tắt app, chuyện đi chợ của người dân càng thêm khó
Chánh Trung
(KTSG Online) – Nhiều tài xế xe công nghệ đang làm nghề giao hàng (shipper) tại TPHCM tiếp tục tắt app vì gặp khó khăn khi vận chuyển. Trong khi đó, nhiều người dân cho biết vẫn gặp nhiều khó khăn khi đi chợ, siêu thị trong những ngày qua.
Nhiều shipper rủ nhau tắt app nên lượng shipper còn hoạt động khá ít ỏi. Ảnh: Lê Vũ |
Ngưng kế mưu sinh vì quá trình giao nhận khó khăn
Trong ngày 31-7-2021 ghi nhận tại TPHCM, nhiều shipper vẫn tiếp tục kêu gọi nhau tắt app (ứng dụng), ngưng chạy vì vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong quá trình nhận đơn hàng, giao hàng, di chuyển đến điểm giao hàng…
Trước quy định giãn cách xã hội nhiều tỉnh, thành trên cả nước, các chốt chặn đã được lập ra để đảm bảo không lây lan dịch bệnh giữa các địa bàn. Điều này khiến lực lượng shipper tự do gặp khó khăn khi làm việc. Điều kiện làm việc bị hạn chế và rủi ro khi đi qua chốt kiểm dịch là hai lý do chính khiến các shipper này ngừng hoạt động, gây ra tình trạng thiếu hụt nhân sự giao hàng cho siêu thị và sàn thương mại điện tử - là các đơn vị đang cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân các thành phố. |
Anh Minh Tú, một shipper tại quận 8 cho biết anh vẫn phải tiếp tục tự hủy hay yêu cầu khách hàng hủy đơn hàng do nơi lấy hàng ở quận 8 tuy nhiên nơi giao hàng là ở các quận 7, quận 10… Những nơi giao hàng không phải là nơi phong tỏa, cách ly nên anh không thể đi liên quận để giao được.
"Bên cạnh đó nhiều đơn hàng liên quan đến đồ điện tử, áo quần… tôi cũng không nhận vì có thể bị kiểm tra và xử phạt là hàng hóa không thiết yếu. Cả buổi sáng và chiều nhận hàng chục đơn hàng nhưng chỉ giao được vài đơn trong quận", anh Tú cho biết thêm.
Nhiều shipper khác cũng chia sẻ trên các hội nhóm mạng xã hội về việc gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển tại TPHCM. Các shipper cho hay tuy có đeo băng tay ghi chữ “Shipper” do công ty cấp phát tuy nhiên nhiều chốt kiểm tra cho rằng băng tay này không đúng quy cách. Nhiều shipper khác thì cho biết vẫn tiếp tục bị kiểm tra và bị phạt vì hàng hóa không thiết yếu.
Một số shipper thì cho hay đến chốt kiểm tra phải chờ rất lâu để kiểm tra bảng tên, danh tính của shipper trên website của Sở Công Thương, nội dung đơn hàng, điểm đến của đơn hàng… Bên cạnh đó nhiều shipper cho biết còn thiếu băng tay, bảng tên… do quá gấp công ty chưa cung cấp kịp nên vẫn ngưng chạy.
Trong ngày 31-7 trên các hội nhóm tài xế xe công nghệ tại TPHCM các tài xế vẫn tiếp tục rủ nhau tắt app vì mệt mỏi, căng thẳng, đơn hàng bị hủy nhiều trong quá trình vận chuyển.
Liên quan đến việc shipper tắt app, đại diện các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ vận chuyển cho hay có hiện tượng nhiều tài xế tắt app trong những ngày qua. Các công ty đang nỗ lực cung cấp đầy đủ trang bị theo quy định vận chuyển, phòng chống dịch cho tài xế để tiếp tục hoạt động. Riêng về các trang bị như bảng tên, băng tay thì đang tiếp tục in ấn và chuyển đến các tài xế trong tuần này và tuần sau.
Có "phiếu đi chợ" vẫn không mua được hàng hóa
Tại TPHCM nhiều quận huyện trên địa bàn đã phát phiếu cho người dân đi mua thực phẩm theo ngày chẵn - lẻ hay mua sắm theo khung giờ tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy có tình trạng dồn quá đông tại nơi này nhưng nơi khác lại vắng, chỗ thì thiếu, chỗ thì thừa thực phẩm khi người dân đi chợ, siêu thị theo địa bàn.
Người dân xếp hàng để đi siêu thị tại TPHCM. Ảnh: Lê Vũ |
Theo đó trong các ngày cuối tuần 30 và 31-7 nhiều người dân, bà nội trợ tại TPHCM cho biết gặp rất nhiều khó khăn khi đi chợ, siêu thị. Nguyên do là việc sử dụng “phiếu ra vào chợ” cùng sự phân bố địa điểm đi chợ, siêu thị không phải lúc nào cũng đáp ứng đúng nhu cầu.
Chị Minh Thanh ở phường 15 quận 10 cho biết. sáng 31-7, chị đi siêu thị BigC trong khu vực theo giờ, ngày quy định trên phiếu đi chợ. "Khi đến nơi thì thấy hàng dài người xếp hàng chờ đợi, tôi cũng cố gắng chờ đợi hơn 2 giờ đồng hồ mới được vào mua. Tuy nhiên, khi vào mua thì hàng hóa còn khá ít, nhất là các mặt hàng thịt, cá và trứng, dù siêu thị mới mở cửa chỉ có vài giờ", chị nói.
Một số người dân cho hay khi đi theo "phiếu đi chợ" thì đến nơi siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã hết, thịt cá trong khi siêu thị khác cách đó vài con đường thì thịt cá, rau rất nhiều. Nhưng do siêu thị này nằm khác quận, khác phường nên cũng không mua được rau, thịt cá. |
Còn chị Phương Thảo ở Gò Vấp thì nói rằng trước cửa nhà chị có cửa hàng Bách Hóa Xanh tuy nhiên nó thuộc phường 6 còn nhà chị ở phường 5 nên không thể đi mua vì theo quy định trên phiếu đi chợ chị phải đi siêu thị, chợ ở phường 5. "Tôi cũng đánh liều sang hỏinhưng nhân viên cửa hàng sau khi xem phiếu cho biết không thể bán cho tôi vì không đúng quy định về địa điểm phường”, chị cho biết.
Nhiều bà nội trợ khác chia sẻ vô số khó khăn khi đi chợ, siêu thị theo phiếu đi chợ quy định ngày chẵn lẻ, theo giờ. Họ cho biết có nơi quy định chỉ được đi chợ trong 1-2 giờ, đến nơi xếp hàng chờ xong thì gần hết giờ nên chỉ mua được vài món đồ.
Theo Sở Công Thương TPHCM, việc triển khai phiếu/thẻ ra vào chợ tại các quận, huyện không đồng bộ theo từng địa bàn; chưa có cơ chế kiểm tra việc thực hiện và chưa bảo đảm khống chế lượng khách ra - vào điểm bán phù hợp; một số nơi còn tình trạng tập trung đông người và phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh.
Yêu cầu khách mua hàng hóa tại các địa điểm nằm trên địa bàn (đúng phường) tại một cửa hàng tiện lợi ở quận Bình Thạnh. Ảnh: Phan Nhơn |
Sở Công Thương TPHCM đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, các đơn vị quản lý điểm bán trên địa bàn rà soát quy mô dân số, số lượng điểm bán hàng hóa, lương thực, thiết bị thực hiện tại khu vực. Chủ động làm việc với hệ thống phân phối trên địa bàn như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh, hàng hóa, lương thực, thực phẩm, chợ truyền thống. Từ đó, đánh giá khả năng, số lượng hàng hóa cung ứng, năng lực phục vụ hàng ngày và có phương án phân bổ sung tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của dân trên địa bàn sao cho phù hợp, thuận tiện cho việc đi lại, mua sắm.
Trước đó, Sở Công Thương TPHCM đề nghị đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, các đơn vị quản lý điểm bán trên địa bàn phân chia tần suất đến các “điểm bán” trên địa bàn (chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu...) thông qua việc phát “phiếu mua hàng thiết yếu” (có mã QR - QR Code) cách 2-3 ngày/lần.
Riêng trong các khu phong tỏa, các địa phương thông tin đến người dân về việc mua thực phẩm thiết yếu tại siêu thị/chợ trong khu vực tỏa với tần suất 2 lần/tuần, sử dụng “phiếu mua hàng thiết yếu” do chính quyền địa phương cấp.
Mời xem thêm:
Đề xuất duy trì shipper, tăng cường mua bán hàng trực tuyến
Bán hàng online, shipper chật vật trong vòng quay cung ứng hàng hóa
Siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa linh hoạt từ 7-17 giờ hằng ngày