Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu thuần đạt 3.180 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp giảm 17%, xuống còn 195 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, doanh thu tài chính quý 2 ghi nhận hơn 65 tỷ đồng (gấp 7,5 lần cùng kỳ). Việc tăng chủ yếu đến từ gần 51 tỷ đồng phát sinh từ chuyển nhượng các khoản đầu tư.
Theo đó, các chi phí tài chính và quản lý được tiết giảm cùng khoản lãi chuyển nhượng đã giúp Xây dựng Hòa Bình lãi ròng đột biến gần 66 tỷ đồng, gấp hơn 35 lần cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đây cũng không phải quý đầu tiên Xây dựng Hòa Bình báo lãi đột biến nhờ các khoản thu nhập khác. Các quý trước đó, công ty thường xuyên ghi nhận khoản lợi nhuận khác thậm chí thoát lỗ nhờ khoản này.
Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận đột biến trong quý 2/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HBC đạt gần 5.443 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ thu nhập đột biến từ chuyển nhượng các khoản đầu tư, lãi ròng của HBC ghi nhận hơn 73 tỷ đồng, gấp 5,6 lần.
Chỉ số kinh doanh tăng trưởng góp phần cải thiện dòng tiền của HBC. Nửa đầu năm dòng tiền thuần từ kinh doanh Công ty đã dương trở lại với gần 733 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm hơn 451 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận gộp của công ty chỉ còn 6,1% trong quý 2 trong khi quý 1 là 8,7% trong bối cảnh giá thép xây dựng vẫn chưa hạ nhiệt trong quý vừa qua.
BCTC hợp nhất quý 2/2021 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Chủ tịch Lê Viết Hải từng thừa nhận giá thép tăng đã ảnh hưởng đến giá vốn của HBC và công ty cũng chủ động làm việc với nhà cung cấp lớn để đảm bảo có giá tốt nhất kèm với điều kiện thanh toán tốt nhất.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 21/6, ông Hải cho biết chủ trương năm nay công ty sẽ thoái vốn khỏi các dự án đầu tư bất động sản, tập trung vốn phát triển lĩnh vực xây dựng công nghiệp, hạ tầng và đặc biệt là bất động sản cao tầng tại thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, ông Lê Viết Hải cũng đề cập tới vụ kiện với Tập đoàn FLC (FLC) và cho biết hai bên đã chấm dứt những lùm xùm kiện cáo.
Hiện FLC cũng đã thanh toán khoảng 1/10 số tiền từ vụ kiện là 20 tỷ đồng. Theo lộ trình trả nợ đã cam kết từ tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết, thì FLC sẽ trả 15 tỷ đồng trong tháng 6 và 20 tỷ đồng mỗi tháng trong nửa cuối năm 2021, 25 tỷ đồng/tháng trong quý 1 năm 2022, phần còn lại vào tháng 4/2022.
Khi được hỏi về việc có tiếp tục hợp tác với FLC nữa hay không, người đứng đầu HBC cho biết sẽ luôn mở lòng, trân trọng mọi khách hàng. Tuy nhiên, ông Hải nhấn mạnh rằng sẽ không để một dự án nào giữa 2 bên lặp lại tình trạng chậm thanh toán, dẫn đến xung đột pháp lý như trong thời gian vừa qua.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Thời gian gần đây HBC cũng liên tục ký kết các hợp đồng thầu mới. Tính đến hiện tại, HBC đã ký được gần 11.000 tỷ đồng, xấp xỉ kế hoạch cho cả năm với 14.000 tỷ đồng.
Cụ thể, HBC vừa trúng thầu thêm 3 dự án mới với tổng giá trị hơn 1.123 tỷ đồng, nâng tổng giá trị trúng thầu của Hòa Bình trong những ngày đầu tháng 7 lên tới gần 2.000 tỷ đồng.
Dự án thứ nhất là Tổ hợp Du lịch Thung lũng Đại Dương (NovaWorld Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), tổng giá trị gói thầu hơn 144 tỷ đồng.
Dự án thứ hai là khu căn hộ HT-Pearl (TP. Dĩ An, Bình Dương) do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Nhà Hưng Thịnh làm chủ đầu tư, Hòa Bình là tổng thầu thi công dự án (trừ gói thầu cọc), tổng giá trị gói thầu hơn 871 tỷ đồng.
Dự án thứ ba là tòa nhà V9 thuộc Tổ hợp lô F3 Vinhomes Smart City (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) của chủ đầu tư là Tập đoàn Vingroup , giá trị hơn 108 tỷ đồng.
Hòa Bình đang thi công tầng hầm tại dự án HT Pearl. Ảnh: HBC.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình được thành lập vào ngày 27/09/1987, vốn điều lệ tính đến tháng 1/2020 là 2,3 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT là ông Lê Viết Hải, hiện đang nắm giữ 37,06 triệu cổ phiếu, tương đương 16,05% tại HBC và cũng là cổ đông lớn nhất tại công ty.
Từ ngày 23/07/2020, ông Hải nhường lại vị trí CEO Hòa Bình cho con trai là Lê Viết Hiếu (SN 1992) để đáp ứng quy định về quản trị doanh nghiệp khi chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm CEO của cùng một công ty đại chúng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2021, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 13.500 tỷ (tăng 20% so với năm 2020) và lợi nhuận sau thuế 235 tỷ đồng (tăng 181% so với năm 2020). Sau 6 tháng, Xây dựng Hoà Bình mới đạt được 40% kế hoạch doanh thu và 28,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Năm 2021, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu trúng thầu 14.000 tỷ đồng. Với việc được giao thi công 3 gói thầu xây dựng với tổng giá trị hơn 1.123 tỷ đồng, giá trị trúng thầu của Hòa Bình đã đạt hơn 10.500 tỷ đồng, thực hiện 75% chỉ tiêu.
Hải Yến
Doanh nghiệp & Tiếp thị