Những ngày vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã tiến hành giãn cách xã hội nhằm đẩy cao công tác phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, đi kèm với nỗ lực ngày đêm của lực lượng chức năng cũng như sự tự giác đồng lòng của đông đảo người dân thì vẫn có không ít trường hợp lại cố tình phớt lờ quy định giãn cách, cố tình ra đường khi không cần thiết khiến tất cả chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Và mới đây, bản tin Điểm Tuần: Nỗi Sợ Mùa Dịch của VTV24 đã một lần nữa lên án tình trạng này nhưng với style "đá xoáy". Người dẫn dắt những màn cà khịa lần này là BTV Sơn Lâm .
Bản tin Điểm Tuần của tuần này dưới sự dẫn dắt của BTV Sơn Lâm
Với chủ đề "nỗi sợ", Sơn Lâm cho hay từ thời nguyên thủy con người ai cũng có những nỗi sợ và thường những nỗi sợ ấy đều có mục đích tích cực khi giúp người ta tránh khỏi các hành vi làm hại chính mình. Tuy nhiên, quay trở về với ngày nay thì mọi chuyện lại khác, nỗi sợ của người này chưa chắc đã là sự quan tâm của người kia.
Kết quả là song hành cùng Olympic Tokyo đang diễn ra rất gay cấn thì những ngày vừa qua, tại Hà Nội cũng diễn ra giải đấu "vài môn phối hợp". Người tham gia không phải ai khác mà chính là những đối tượng thiếu ý thức, không tuân thủ quy định giãn cách, vẫn ra đường tập thể dục, không đeo khẩu trang, thậm chí chống đối người thi hành công vụ.
Hình ảnh mang tính "cà khịa" cực cao
Chưa dừng lại ở đó, bản tin còn tận dụng của một lý thuyết kinh điển do nhà thần kinh học Paul McLean đưa ra vào thập kỷ 60 để nhận xét về tình huống này:
"Về cơ bản thì bộ não con người có thể chia làm 3 phần như sau: phần thứ nhất là não bò sát, phần thứ 2 là não thú và phần thứ 3 là não người. Nỗi sợ ở 3 khu vực này cũng có điểm khác biệt riêng.
- Ở phần não bò sát, nỗi sợ sẽ biến thành hành động một cách bản năng, ngay lập tức và vô điều kiện. Ví dụ: nhìn thấy lực lượng chức năng thì chạy ngay chẳng hạn.
- Ở phần não thú, nỗi sợ sẽ chi phối hành vi của con người ở dạng cảm xúc. Ví dụ: ở nhà chán quá, hay là ra ngoài một tí xem nó như thế nào.
- Và cuối cùng, ở phần não người, nỗi sợ giờ sẽ đi kèm với tư duy trừu tượng, với ý thức, với trách nhiệm, với những mối nguy có thể có trong tương lai.
Tóm lại, mỗi người lại đang dùng một phần não khác nhau để đối phó với Covid-19. Bởi thế nên mới có người ở nhà và cũng có người ra ngoài không có lý do chính đáng", BTV Sơn Lâm trình bày.
Não con người được chia làm 3 phần khác nhau, dẫn đến các hành vi khác nhau
Kết luận lại, BTV Sơn Lâm không quên nhắn nhủ mọi người hãy có những nỗi sợ đúng đắn với những thông tin đúng đắn. Nam BTV chia sẻ: "Hãy biến những nỗi sợ đúng đắn ấy thành ý thức và trách nhiệm để một ngày không xa, chúng ta lại được cùng... tắc đường với nhau. Quý vị là một phần quan trọng của công tác chống dịch, đơn giản là hãy ở nhà và tuân thủ theo nguyên tắc 5K".
Màn đá xoáy mang tính chất răn đe lần này từ VTV24 tiếp tục nhận được đông đảo sự chú ý của người xem. Tuy nhiên, bên cạnh những bình luận thả like vì sự mặn mòi của BTV Sơn Lâm thì một bộ phận netizen lại có phản ứng trái ngược. Tranh cãi nổ ra liên quan đến cách ví von "não thú" - "não người" được sử dụng trong bản tin. Đành rằng chúng xuất phát từ một lý thuyết thần kinh học có thực nhưng việc lôi bò sát hay động vật ra so sánh với hành vi của con người như vậy là không nên, nhất là với một kênh truyền hình quốc gia.
Một vài bình luận của netizen:
- Best cà khịa.
- Đúng là vựa muối của VTV.
- Hy vọng những người thiếu ý thức trong mùa giãn cách xem được bản tin này và tự thấy xấu hổ. Vì một người mà ảnh hưởng đến bao nhiêu con người có đáng không?
- Cà khịa một chút thì vui thật, chứ lôi cả "thú" ra so với "người" thế này thấy hơi quá rồi.
- Có mỗi mình không thấy vui hả? Biết là cần lên án nhưng đâu nhất thiết phải so sánh như trong bản tin. Cảm giác thiếu tôn trọng khán giả!
Đứng trước các ý kiến trái chiều đến từ khán giả, bản tin đã được ẩn khỏi kênh YouTube chính thức của VTV24. Bài post có liên quan trên fanpage cũng "bay màu" dù trước đó nhận về lượng tương tác khá lớn.
Ảnh: Chụp màn hình
M416
Pháp luật & Bạn đọc