Theo số liệu từ Statista, các hạn chế đi lại trong đại dịch thúc đẩy người tiêu dùng Đông Nam Á gia tăng tần suất sử dụng các nền tảng số và chi tiêu trực tuyến nhiều hơn. Cụ thể, giai đoạn 2020-2021 có thêm 60 triệu người dùng trực tuyến mới trong khu vực, trong đó 20 triệu người dùng mới tham gia ngay trong nửa đầu năm 2021.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng bùng nổ trong giai đoạn 2020-2021, đứng thứ 3 khu vực sau Indonesia, Thái Lan. Tiềm năng của thị trường Việt Nam được các chuyên gia dự báo có thể đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025.
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh sau dịch bệnh
Tính tới nửa đầu năm 2021, Việt Nam có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, với 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị. Ngoài ra, tỷ lệ người dùng thương mại điện tử Việt Nam có xu hướng tăng cao với 97% người tiêu dùng mới đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai.
Thời kỳ hậu dịch bệnh, thương mại điện tử ở Việt Nam trên đà phát triển vượt bậc. Theo dự báo của Statista, trong năm 2022 Việt Nam vượt qua Thái Lan trở thành thị trường lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Theo Báo cáo toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 của Metric, 4 cái tên nổi bật nhất đang chia nhau thị phần tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Các thông tin của Báo cáo được thu thập, tổng hợp và phân tích trên nền tảng dữ liệu Big Data của người tiêu dùng trên 4 sàn trong 6 tháng, từ 11/2021-5/2022.
Theo thống kê của Metric, Shopee có thị phần doanh số cao nhất |
Theo đó, Shopee hiện là sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam khi chiếm đến gần 73% tổng doanh số 4 sàn, tương ứng với khoảng 33,5 nghìn tỷ. |
Lazada là sàn đứng thứ 2, chiếm 20% với doanh thu 9,7 nghìn tỷ, bằng 1/3 doanh số Shopee. Tiki và Sendo lần lượt chiếm vị trí số 3, 4 với thị phần doanh thu 5,8% và 1,4%.
"Bảng xếp hạng" các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam của Metric cũng phù hợp với thống kê của iPrice Group trong quý 4/2021 cho thấy Shopee hiện là đơn vị dẫn đầu về sự phổ biến với gần 89 triệu lượt truy cập. Shopee chiếm ưu thế trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube hay Instagram.
Lượng truy cập của Tiki, Lazada và Sendo cộng lại chưa bằng một nửa lượng truy cập của Shopee. Lazada xếp sau với 20,6 triệu lượt truy cập, tiếp theo là Tiki với 17,8 triệu lượt truy cập. Sendo đứng dưới với gần 5 triệu lượt truy cập.
Báo cáo của Metric cũng chỉ ra ngành hàng làm đẹp áp đảo thị trường thương mại điện tử, với tổng doanh số tính đến hiện tại trên 4 sàn là gần 8 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 15% tổng doanh thu thị trường.
Theo sau là ngành thời trang nữ, gia dụng - đời sống, đây là top những ngành hàng thiết yếu có tốc độ tiêu dùng nhanh, nhu cầu phát sinh từ người tiêu dùng tại tất cả thời điểm trong năm và sự đa dạng hàng hoá cao.
Về giá sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử, phân khúc giá rẻ 10.000-50.000 đồng có số sản phẩm bán ra lớn nhất trên tất cả sàn.
Trong khi đó, các sản phẩm thuộc 2 phân khúc giá từ 100.000-200.000 đồng và từ 200.000-500.000 đồng đem lại doanh thu cao cho các nhà bán hàng khi chiếm tới 44,7% tổng doanh số trên các sàn thương mại điện tử.
Báo cáo của Metric thống kê sản phẩm thuộc loại OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) chiếm tới 23,6% thị phần thương hiệu trên các sàn.
Đa phần nhà bán đến từ 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, các nhà bán nước ngoài cũng chiếm 7,3% thị trường nhờ ưu điểm giá thành rẻ và nguồn hàng phong phú.
Thị trường rộng mở cho các nhà bán hàng nhỏ lẻ khi doanh số các shop thông thường chiếm tới gần 80% thị trường.
Theo Bảo Nhi
Bizlive
Xem thêm: nhc.54740828113702202-1-os-al-oan-nas-odnes-ikit-adazal-eepohs/nv.zibefac