Số liệu mới nhất do Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 31/7 cho thấy, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong tháng 7 là 49%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với tháng 6 và giảm trở lại sau khi tăng hai tháng liên tiếp.
Trong số 21 ngành được khảo sát, 10 ngành có PMI nằm trong phạm vi mở rộng, trong đó PMI của chế biến nông sản và thực phẩm, trà và đồ uống, thiết bị chuyên dụng, thiết bị ô tô, đường sắt và hàng không vũ trụ cao hơn 52%, mở rộng trong 2 tháng liên tiếp, sản xuất và nhu cầu tiếp tục phục hồi.
Chỉ số PMI của các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như dệt may, dầu khí, chế biến than và nhiên liệu khác, luyện kim đen,...tiếp tục nằm trong biên độ thu hẹp, thấp hơn đáng kể so với mức chung của ngành sản xuất, yếu tố chính khiến chỉ số PMI giảm trong tháng.
Số liệu cũng cho thấy, cả hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất đều tăng trưởng chậm lại. Chỉ số sản xuất là 49,8%, giảm 3 điểm phần trăm so với tháng trước. Hoạt động thu mua nguyên liệu của doanh nghiệp cũng bị thắt chặt, chỉ số lượng mua và chỉ số nhập khẩu lần lượt là 48,9% và 46,9%, đều giảm hơn 2 điểm phần trăm so với tháng trước.
Chuyên gia thống kê cao cấp tại Trung tâm khảo sát ngành dịch vụ của Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc Triệu Khánh Hà cho biết, sự sụt giảm của chỉ số PMI sản xuất trong tháng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như sản xuất trái vụ, việc cung cấp không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và sự suy giảm phát triển của các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.
Dịch Covid-19 ở Trung Quốc đại lục tiếp tục lan rộng trong tháng 7, thêm vào đó tình hình bên ngoài ngày càng phức tạp, nhu cầu thị trường chịu nhiều áp lực. Chỉ số đơn đặt hàng mới là 48,5%, giảm 1,9 điểm phần trăm so với tháng trước. Chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới giảm hơn 2 điểm phần trăm. Ngoài ra, kỳ vọng kinh doanh cũng giảm, chỉ số kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là 52%, giảm 3,2 điểm phần trăm so với tháng trước và là mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại sau khi có sự phát triển trong tháng 6, sự phục hồi này không ổn định do các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Sự thay đổi của chỉ số PMI từ tăng sang giảm trong tháng 7 cho thấy áp lực giảm nội sinh là rất lớn. Những khó khăn mà tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 3 gặp phải có thể sẽ lớn hơn nhiều so với dự kiến./.
Xem thêm: vov.433069tsop-hnid-no-gnohk-ioh-cuhp-couq-gnurt-et-hnik-nen/et-hnik/nv.vov