Lễ phục tốt nghiệp của sinh viên - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Vậy lễ phục tại các buổi lễ tốt nghiệp nên như thế nào?
- Giáo sư NGUYỄN VĂN TUẤN (Đại học New South Wales, Úc):
Không nên "sáng tạo" phẩm phục khoa bảng
Trang phục khoa bảng thường theo truyền thống Đại học Oxford hay Đại học Cambridge (Vương quốc Anh). Mỗi chuyên ngành (y, văn, kỹ thuật, luật...) có áo, mũ, hood khác nhau, màu sắc cũng khác nhau.
Theo truyền thống khoa bảng ở Úc và các nước phương Tây thì không được "sáng tạo" lễ phục. Khi tôi đi nhận phẩm phục họ hỏi tốt nghiệp trường nào và từ đó họ xác định phẩm phục theo truyền thống Oxford hay Cambridge. Mỗi cái áo, nón, trượng... đều có ý nghĩa và có luật quy định.
Chẳng hạn như cái áo choàng (gown) là biểu tượng của dân chủ trong học thuật, nhưng độ dài và màu sắc lại khác biệt giữa các ngành học. Cái nón trong khoa bảng thường có hình vuông, tượng trưng cho sách vở, cho thành tựu trong sự học.
Sau này, vài đại học có loại nón tròn, thường dành cho tiến sĩ. Cái vòng xích choàng qua cổ đó gọi là "collar", xưa (thế kỷ 15) thường làm bằng vàng khối, nó là biểu tượng cho chức vụ cao nhất.
Ví dụ như thị trưởng thành phố khi hành lễ thì hay đeo collar. Còn hiệu trưởng đại học ở Anh, Úc thì không thấy đeo collar. Cây quyền trượng (mace) là tượng trưng cho uy quyền. Sự hiện diện của nó trong buổi lễ có nghĩa là có người với chức vụ cao nhất trong buổi lễ. Trong đại học, cái quyền trượng có nghĩa là "người" duy trì truyền thống học thuật và uy quyền đối với những người đến đó theo học.
Nhưng khi hành lễ nó phải được đặt trên giá nằm ngang, ý nói là chỉ sử dụng quyền lực một cách công minh. Ở các đại học Anh và Úc, hiệu trưởng không cầm quyền trượng, mà là một phụ tá cầm quyền trượng đi trước và hiệu trưởng đi sau đó.
Thành ra, không hiểu hết mấy biểu tượng này mà "biến chế" ra các hình thể kỳ cục thì nó chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Tôi vẫn giữ ý kiến là các đại học nên dùng phẩm phục truyền thống thời phong kiến (có thể vài thay đổi). Chẳng có lý do gì để bắt chước hay biến tấu từ Anh cả.
- PGS.TS NGUYỄN NGỌC THƠ (trưởng khoa văn hóa học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Đảm bảo tính tôn nghiêm
Lễ tốt nghiệp là một sinh hoạt nghi lễ quan trọng của từng trường, nó đánh dấu điểm kết thúc của quá trình đào tạo đối với nhà trường và ngưỡng chuyển đổi vị thế, học vị của người học.
Hiện trên thế giới các trường đại học tự thiết kế và áp dụng các hình thức nghi lễ, bộ lễ phục, các nghi vật có liên quan sau khi được các bộ phận trong trường (ban giám hiệu, các khoa, giảng viên và đại diện sinh viên...) thông qua.
Dù ở bất cứ hình thức nào đi nữa, buổi lễ tốt nghiệp đảm bảo hai nguyên tắc cơ bản: không khí trang trọng; tôn vinh người được nhận bằng (và qua đó gián tiếp tôn vinh thầy cô giáo và nhà trường). Các nghi lễ, nghi vật được áp dụng, sử dụng mang tính hàn lâm, được cả giảng viên và sinh viên đánh giá cao.
Tại nhiều trường đại học ở Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan hay Đài Loan (Trung Quốc) mà tôi được biết, cả hai nguyên tắc ấy được áp dụng rất tốt. Họ thường tổ chức ở sân trường (không gian mở), có sân khấu chính là nơi đại diện ban giám hiệu và các khoa trao bằng, hai bên trái phải thường thiết kế hai lối đi dài, trang trí rất đẹp để chào đón các tân cử nhân (hoặc tân thạc sĩ, tiến sĩ) tiến ra lễ đài nhận bằng và sau đó có thêm quãng đường để chụp ảnh sau khi nhận bằng và bước ra khỏi sân khấu chính.
Tựu trung lại, buổi lễ tốt nghiệp của họ có tính sáng tạo, bên trao bằng giữ đúng tính tôn nghiêm, trong khi người nhận bằng có đủ không gian thể hiện tính sáng tạo riêng mình, cũng như thể hiện các cung bậc cảm xúc trước và sau khi nhận bằng.
Theo tôi, các trường đại học hoàn toàn có thể tìm kiếm các mô hình sáng tạo phù hợp trong đào tạo và trong các hoạt động có liên quan của mình, trong đó có lễ phục tốt nghiệp. Điều quan trọng là các trường cần xem xét kỹ các chi tiết liên quan đến lễ phục, nghi vật sao cho chúng vẫn đảm bảo tính tôn nghiêm, tính sáng tạo và tính độc đáo của một buổi lễ tốt nghiệp đại học.
- TS NGUYỄN TRUNG NHÂN (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM):
Có thể sáng tạo nhưng theo quy chuẩn
Lễ tốt nghiệp đại học là một trong những bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi người. Bất cứ sinh viên đại học nào cũng mong muốn được khoác lên mình bộ lễ phục danh giá và đầy ý nghĩa.
Áo tốt nghiệp là một lễ phục vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời mỗi sinh viên. Mỗi trường có thể sáng tạo trong thiết kế lễ phục, tạo điểm nhấn, mang màu sắc đặc trưng của trường nhưng cũng cần có một vài quy chuẩn.
Ví dụ như màu áo dành cho sinh viên tốt nghiệp của mỗi trường/ngành phải phù hợp và đáp ứng mọi tiêu chí về giới tính, độ tuổi, văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương. Đồng phục phải phù hợp với điều kiện thời tiết khi diễn ra buổi lễ.
Về kiểu dáng lễ phục cần thống nhất: thụng, dài, che toàn thân, dễ mặc, phù hợp với kích cỡ người mặc, phù hợp với truyền thống. Mũ đi kèm cùng màu với áo để đảm bảo tính thẩm mỹ.
- NGUYỄN LÊ KIỀU NHI (sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Cần giữ kiểu dáng lễ phục trang trọng
Lễ tốt nghiệp đại học được xem là sự kiện quan trọng nhất trong đời của mỗi sinh viên. Theo tôi, nên mặc những trang phục lịch sự, trang trọng là được. Có thể các buổi lễ tốt nghiệp trường sẽ quy định về trang phục để đồng bộ thì nhìn tổng thể sẽ tốt hơn, ví dụ như là đồng loạt mặc áo sơmi trắng, hoặc áo dài chẳng hạn.
Còn về lễ phục tốt nghiệp, tôi được biết nó đại diện cho kiến thức mà sinh viên trang bị tại trường học. Thực tế hiện nay, mỗi trường đại học ở Việt Nam thường có bộ lễ phục riêng. Các mẫu áo cử nhân được sử dụng tại Việt Nam đã được thiết kế lại để phù hợp với người mặc.
Tuy nhiên, tôi nghĩ với lễ phục này, dù sáng tạo kiểu gì vẫn cần phải giữ kiểu dáng là một trang phục mang tính chất trang trọng và có ý nghĩa quan trọng, được sử dụng khi sinh viên nhận bằng tốt nghiệp.
TTO - Hình ảnh hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) mặc áo nhung, đội mũ màu đỏ, cầm quyền trượng, đeo vòng cổ tại lễ trao bằng tốt nghiệp năm 2022 của trường gây nhiều ý kiến tranh cãi. Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội yêu cầu báo cáo.
Xem thêm: mth.48482403210802202-oan-eht-nen-coh-iad-gnourt-o-peihgn-tot-cuhp-el/nv.ertiout