PVOil - doanh nghiệp chiếm hơn 20% thị phần xăng dầu bán lẻ - ghi nhận doanh thu bán hàng và dịch vụ tăng hơn hai lần cùng kỳ 2021, đạt hơn 30.414 tỷ đồng.
Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ kinh doanh tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021, đạt gần 632 tỷ đồng. PVOil ghi nhận lãi sau thuế gần 510 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng, đơn vị này lãi hơn 792,6 tỷ đồng, tăng trên 40% so với 2021.
Nhưng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại không có kết quả tích cực như vậy. Dữ liệu các chỉ số tài chính cho thấy, chi phí bán hàng của Petrolimex tăng vọt, hơn 2.570 tỷ đồng, đã "ăn mòn" lợi nhuận của tập đoàn này. Theo báo cáo tài chính quý II, doanh thu thuần từ bán hàng, dịch vụ của Petrolimex tăng 80%, đạt hơn 84.367 tỷ đổng.
Trong kỳ, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận thuần âm 295 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí bán hàng, tài chính và quản lý..., Petrolimex báo lỗ trước thuế gần 279 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm gần 141 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1.594 tỷ.
Tính nửa đầu năm, doanh nghiệp nắm thị phần bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước (khoảng 48%) - lợi nhuận sau thuế giảm tới 87%, còn 302 tỷ đồng.
Lý giải việc thua lỗ, Petrolimex cho biết là do giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp xung đột Nga - Ukraine. Các nước phương Tây và Mỹ cấm vận dầu Nga đã làm giá xăng dầu thế giới biến động bất thường. Theo đó, một thùng dầu thế giới WTI tăng 99,4 USD vào đầu quý II lên mức 122 USD, tương đương tăng 23% rồi lại giảm về 105,8 USD vào cuối tháng 6.
Khi giá thế giới tăng vọt, doanh nghiệp này buộc phải nhập khẩu để bù đắp sản lượng xăng dầu thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đảm bảo không đứt gãy cung ứng tại những thời điểm khó khăn và cung cầu tiêu dùng trong nước.
Lý do nữa là từ tháng 7, giá xăng dầu điều chỉnh giảm với biên độ lớn, công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trên cơ sở giá trị thuần với lượng hàng tồn kho tại 30/6 là 1.259 tỷ đồng. Nếu không trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế 6 tháng công ty mẹ là 295 tỷ.
Ngoài việc công ty mẹ hoạt động kinh doanh không mấy khả quan trong nửa đầu năm, đại diện Petrolimex chia sẻ, các lĩnh vực khác như hoá dầu, gas, kinh doanh kho... cũng đạt hiệu quả thấp.
Năm nay, tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu, lãi trước thuế hợp nhất lần lượt là 186.000 tỷ đồng và 3.060 tỷ đồng. Như vậy, nửa đầu năm, Petrolimex mới đạt 10% kế hoạch.
Cũng trong cảnh kinh doanh không khả quan, Công ty cổ phần thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) đạt doanh thu tăng 43%, đạt hơn 1.700 tỷ đồng, Nhưng sau khi trừ các chi phí, khoản lỗ ròng sau thuế..., NSH Petro lỗ ròng 265 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 vẫn lãi 52 tỷ.
Với NSH Petro, công ty bị ảnh hưởng bởi giá thành nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và chi phí lãi vay tăng mạnh.
Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu trong nước đã qua 20 đợt điều chỉnh giá (tính cả đợt điều chỉnh vào chiều 1/8), trong đó 13 đợt tăng, 7 lần giảm. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 7.270 đồng; E5 RON 92 hạ 6.680 đồng; dầu diesel giảm 6.110 đồng.
Bộ Công Thương dự báo diễn biến giá nhiên liệu trên thị trường thế giới vẫn rất phức tạp, khó lường. Giá xăng có thể tăng trở lại ngưỡng giá 30.000 - 31.000 đồng một lít trong quý III và giảm về 24.000 đồng vào cuối năm.
Anh Minh