Thầy Phan Huy Lê (đứng trước) và tác giả (đeo kính đứng sau) cùng các bạn khoa sử khóa 1980 - 1985 - Ảnh tư liệu
Cả nước chỉ có trường đại học công lập và tuyển sinh theo khu vực. Hiếm có chuyện sinh viên Nam ra học trường Bắc và ngược lại. Đời sống sinh viên từ 1975 đến 1990 có nhiều chuyện rất "ngộ" so với giờ.
Phóng khoáng và cởi mở
Trường tôi học là ĐH Tổng hợp TP.HCM, gồm hai ĐH Khoa học và ĐH Văn khoa hợp nhất. Khu Văn khoa vẫn nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, bên Đài truyền hình bao gồm các khoa văn, sử, địa, triết, ngữ văn nước ngoài (Anh, Pháp, Nga)... Trường sở hầu như không thêm gì mới từ sau tháng 4-1975. Khu chính của trường là tòa nhà 4 tầng thiết kế theo kiểu "ăn chắc mặc bền" nguyên là doanh trại quân đội Pháp có từ cuối thế kỷ 19.
Đối diện tòa nhà này là dãy phòng học một tầng, chủ yếu là phòng học của các lớp ngoại ngữ. Gần cổng ra vào có một giảng đường lớn, màu vôi trắng trang trọng, thiết kế hiện đại, được gọi là "giảng đường mới". Tính ra khuôn viên trường tôi không lớn như các đại học khác nhưng lại là một thế giới rất đa dạng. Tại đây, ngẫm lại, có cái không khí văn nghệ cởi mở...
Có thể điều đó bắt đầu từ quán "cà phê chị Hai" ở vỉa hè ngoài cổng, sát vách Đài truyền hình. Cái quán nhỏ, căng bạt tạm bợ, ghế đẩu thấp bé, bán cà phê và thuốc lá bình dân. Sinh viên và nhân viên Đài truyền hình ngồi đó phì phèo, tán gẫu, ngắm "ông đi qua, bà đi lại". Nghe mấy anh lớn nói khách quen có thể được "chị Hai" cho "ghi sổ", cuối tháng trả. Sinh viên khác khoa, ăn mặc và phong thái cũng khác nhau. Mấy chàng học văn có lẽ luôn có giấc mơ làm "văn sĩ", "báo sĩ ", nên ngồi quán thường ồn ào. Dân học sử, triết đủ cỡ tuổi và vùng miền, có nhiều người từng đi bộ đội, cũng sôi nổi không kém.
"Quý tộc" nhất hay còn gọi rất "Tây", là sinh viên học ngành Anh văn và Pháp văn. Tuy vậy, nếu chịu khó làm quen, đặc biệt nói chuyện với các nàng, thì thấy không điệu, không "chảnh". Sinh viên ngoại ngữ được học văn chương, có nhiều buổi diễn kịch, hát hò, khiêu vũ lý thú lắm. Chúng tôi làm quen nhau không chỉ ở thư viện, quán cà phê, sân trường, ký túc xá hay các buổi văn nghệ, sinh hoạt tập thể. Trong bốn năm đại học, tất cả sinh viên các khoa đều có hai kỳ học quân sự, mỗi kỳ một tháng ở cơ sở Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức. Các kỳ học quân sự để lại nhiều kỷ niệm khó quên như hành quân đêm, bắn súng, tập trận quân xanh quân đỏ. Kể cả việc chia nhau từng củ khoai, chén chè sau những buổi tập mệt nhoài.
Thời chúng tôi học, đất nước sau 5 năm khó khăn trong cơ chế "kinh tế chỉ huy" và quan liêu, đã bắt đầu có những cuộc "phá rào", tháo gỡ trong kinh tế. Về văn hóa - văn nghệ cũng vậy, những cấm đoán duy ý chí bộc lộ sự lỗi thời. Ở khoa sử của tôi, khoảng 1980-1981, có một cuộc tranh luận tại giảng đường, tưởng chừng không liên quan khoa học nhưng ngay trong phản biện, nhiều sinh viên đã trưng ra nhiều bằng cớ lịch sử. Đó là chuyện nam sinh viên có được quyền để tóc dài hay không? Có những giảng viên bạo miệng thông tin và bình luận sự kiện Long An "bù giá vào lương" và những cuộc bung ra trở lại với kinh tế thị trường ở một số nhà máy quốc doanh hay nông thôn miền Bắc, miền Nam.
Khi là sinh viên năm thứ 5 (chuyên làm luận văn tốt nghiệp), chúng tôi có duyên may được học với giáo sư Phan Huy Lê chuyên đề "Phương thức sản xuất châu Á". Thầy Lê đưa chúng tôi đến một chân trời mới, lý giải bản sắc lịch sử Việt Nam không phải trên nền móng đấu tranh giai cấp mà là nhiều khía cạnh kinh tế - văn hóa. Dần dần chúng tôi càng nhận ra đại học hay giáo dục nói chung không thể là học hành một chiều hay nghiên cứu "minh họa" như trước nữa!
Một góc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cũ ở đường Đinh Tiên Hoàng - Ảnh: QUỐC MINH
Khát khao... gạo và tình
Thời sinh viên chúng tôi có một "đặc sản" mà sinh viên thời nay chắc chắn không có. Đó là chuyện học bổng trả bằng... gạo! Thời kinh tế thị trường bị đóng cửa, Nhà nước chỉ huy toàn bộ sản xuất và phân phối. Người dân tùy loại ngành nghề, thứ bậc và tình trạng hộ khẩu sẽ nhận được định lượng lương thực và hàng hóa rất rẻ vì đã được trợ giá! Trong đó, tất cả sinh viên đều được Nhà nước cấp học bổng bằng tiền và gạo.
Nếu tôi nhớ không lầm, một tháng sinh viên được hưởng tiêu chuẩn 18 đồng (về sau lên 20 đồng, bằng khoảng 20 tô phở) và 19kg gạo. So tiêu chuẩn công nhân chỉ được phân phối 17kg gạo, sinh viên được ưu đãi hơn. Đổi lại, sinh viên ra trường phải chịu sự phân công của Nhà nước. Tại nhiều trường, nhất là sư phạm và y tế, vào các năm cuối, sinh viên phải cắt hộ khẩu chuyển vào trường để sau này phân công cho dễ. Cũng không thể nào quên, những năm tháng đó, điểm tuyển sinh vào đại học còn tính theo lý lịch gia đình. Thành phần lý lịch gia đình sĩ quan, công chức chế độ cũ bị "áp" mức điểm chuẩn cao nhất. . Mãi đến các năm 1987-1988 trở đi, chuyện tuyển sinh theo lý lịch mới từ từ bãi bỏ, sau khi báo Tuổi Trẻ cùng nhiều báo khác lên tiếng về chuyện sinh viên Nguyễn Mạnh Huy có 4 lần điểm cao vẫn "rớt đại học vì lý lịch xấu".
Trong các trường đại học của chúng tôi đều có "phòng đời sống" chuyên phân phối gạo, thịt, vỏ ruột xe đạp, vải may quần áo, kem đánh răng... cho thầy trò. Mỗi lớp học đều có chức vụ "lớp phó đời sống" - người phụ trách thông báo mua lương thực và nhu yếu phẩm. Bao nhiêu chuyện "hỉ nộ ái ố" xảy ra xung quanh khâu đời sống. Cả nước ngày ấy lao ra "chợ trời", "chợ đen" để làm thêm, kiếm thêm, dĩ nhiên không thiếu sinh viên. Cái bọn thư sinh "dài lưng tốn vải" ngoài làm gia sư còn đạp xích lô, khuân vác, "chạy mánh" và làm trăm nghề không có trong từ điển.
Tôi có một kỷ niệm vui vui với nhà báo - nhiếp ảnh Đỗ Ngọc, nguyên sinh viên khoa văn. Chúng tôi cùng nhận báo Tuổi Trẻ đi bán (sinh viên được tòa soạn thương, không lấy tiền ứng trước), bỗng "đụng nhau" côm cốp khi chào hàng ở các giảng đường. Sau một vài lần "cạnh tranh" cảm thấy không cần thiết, tôi "nhường sân" cho nàng.
Đói ăn và đói thông tin triền miên nhưng sinh viên chúng tôi vẫn thích, vẫn khám phá thế giới tình yêu của tuổi mới lớn. Thời nào cũng vậy, nơi gặp gỡ tình yêu của sinh viên là thư viện, giảng đường, Nhà văn hóa Thanh niên, quán cà phê hay công viên. Nhưng thời chúng tôi không có smart phone hay FB để "chat". Càng khó có phòng ốc riêng để hẹn hò. Chuyện chụp hình "check-in" hay du ngoạn, đi "phượt" bằng xe máy, xe hơi... mơ không thấy nổi. Bọn con trai thường tán con gái bằng nhạc, bằng thơ, bằng lời mời ly chanh đường. Cặp nào "chịu đèn" thì chàng chở nàng đến trường hay dạo phố bằng xe đạp. Và rồi, những cái nắm tay rụt rè, những nụ hôn vụng dại trong những ngõ hẻm dưới trăng hay góc phố đêm cúp điện...
Khát khao đóng góp
Trong ký túc xá, nam nữ sinh viên có thể yêu bạo hơn nhưng vẫn có nhiều rào cản hạn chế từ tổ chức hay gia đình. Nhưng nhớ về những năm tháng "tranh tối tranh sáng", lùng nhùng giữa cơ chế cũ và mới, tôi vẫn thấy sinh viên thế hệ mình khát khao lớn hơn cả là được học hành tử tế và chuẩn bị vào đời như một người tham gia đóng góp chứ không chỉ hưởng thụ. Tùy từng người, tôi tin ai cũng có không ít kỷ niệm đẹp và tình cảm cao thượng đã hình thành từ khung trời đại học thời xa vắng cách đây hơn 40 năm...
Cứ mỗi lần có dịp đi ngang Lăng Ông Bà Chiểu, tôi lại nhớ những ngày tôi lang thang từ trường sang đây chơi. Nhớ cả đám bạn cũng thỉnh thoảng sang xin xăm, xem quẻ để coi mình đậu hay rớt kỳ thi sắp tới.
Kỳ tới: Nhớ mãi ngôi trường gần Lăng Ông Bà Chiểu
TTO - Cái thời vào đại học của tôi là cách đây hơn 20 năm trước và vì nhiều lý do nên một cô gái thích các môn xã hội văn, sử, địa như tôi lại tréo ngoe chọn ngành khối A, trường Bách khoa.