Khu nhà trọ công nhân nhỏ hẹp, nóng bức trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Hàng trăm ngàn người lao động tại TP.HCM đang ở trong những phòng trọ chỉ hơn chục mét vuông mà họ chỉ có thể dùng để ngả lưng sau một ngày vất vả. Bởi thế, dù có xây thêm nhà ở cho người thu nhập thấp, có lẽ số đông cũng không thể nghĩ có ngày mua được căn nhà ở xã hội. Họ chỉ mong được ở thuê nơi tươm tất hơn, không ở trọ tạm bợ như hiện nay.
Thật ra, ở trọ hay ở thuê, cũng là thuê, nhưng lâu nay, mọi người ngầm hiểu với nhau, "ở trọ" có khác "thuê".
Khi nói đang ở trọ, người ta sẽ hình dung ra những căn phòng nhỏ hẹp, thiếu tiện nghi. Ít khi người ta nói ở trọ trong căn hộ mà là đang thuê căn hộ.
Thực tế, căn hộ dù có "bèo" đến đâu cũng tươm tất và tiện nghi hơn phòng trọ nên giá đương nhiên cũng "chát" hơn. Tiền nào của ấy. Trọ thì tạm ngả lưng, thuê thì rộng rãi và tiện nghi.
Với hàng triệu công nhân, họ chỉ mong ở trọ, khó nghĩ đến thuê, càng không nghĩ đến sở hữu căn hộ. Thực tế nhiều phòng trọ hiện nay không phải là chỗ ở tươm tất tối thiểu cho người lao động, vì sao?
Một ông chủ trọ ở gần Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) than rằng chi phí tăng đều nhưng 5 năm qua ông không thể tăng tiền trọ của công nhân, muốn tăng 50.000 - 100.000 đồng cũng phải nâng lên đặt xuống. Ông hiểu tăng vài chục ngàn sẽ thêm gánh nặng cho người ở thuê. Nhưng không tăng tiền thuê, trong khi chi phí khác vẫn tăng, sao có thể nâng chất phòng trọ!?
Ở trọ ngày càng "xuống cấp" là vì thế. Chưa kể người kinh doanh phòng trọ phải tự lo, từ mua đất, vay ngân hàng để xây cất... nên họ đành phải thu nhỏ phòng trọ, tiết giảm tiện nghi... để có giá trọ hợp với khả năng của công nhân.
Về phía người ở trọ, họ cũng không thể xoay trở gì hơn. Như hai vợ chồng chị Lan (46 tuổi, quê Hà Tĩnh) - công nhân may ở quận Bình Tân (TP.HCM), ở trọ chục năm nay - kể: "Thu nhập cả tăng ca của hai vợ chồng hơn 15 triệu/tháng phải lo cho 4 người (gồm 2 con nhỏ), chỉ có thể dành ra 2 triệu đồng/tháng trả tiền trọ cho phòng 12m2, nhỏ đến nỗi không có chỗ kê thêm cái bàn". Khả năng chi trả của công nhân, người lao động chỉ có như vậy.
Cứ thế, thực tế quanh các khu công nghiệp, nhà máy ở quận 7, 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh… là những dãy nhà trọ na ná nhau: hai dãy phòng quay mặt vào nhau, ở giữa là lối đi hẹp, sát nhau đến mức người ở phòng này có thể nói chuyện với người ở phòng đối diện. Những cái "hộp diêm" bít bùng như vậy đã trở thành "khuôn mẫu" của nhà trọ công nhân. Một "khuôn mẫu" không nên có và có cũng không nên tồn tại lâu.
Như vậy, muốn nâng chất nơi trọ như những căn hộ cho thuê, có lẽ cần một sự tiếp sức từ Nhà nước. Hàng triệu công nhân không thể chi thêm tiền để có chỗ ở tốt hơn. Cũng không thể để công nhân mãi sống trọ nhếch nhác như thế.
Thay đổi thực trạng này, đó chính là cơ chế, chính sách để tạo ra một thị trường cho thuê nhà ở hợp với túi tiền người lao động. Làm sao với 2-3 triệu đồng/tháng mà đại đa số hộ công nhân có thể chi trả cho khoản ở trọ, họ sẽ được nơi ở thuê với tiện nghi tối thiểu nhưng tươm tất như bao hộ ở thuê khác.
Hãy xây dựng một khuôn mẫu mới: nhà cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê với giá rẻ, để sớm xóa bỏ "khuôn mẫu phòng trọ hộp diêm".
TTO - Chính sách hỗ trợ thuê nhà trọ (gói 6.600 tỉ đồng) của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 28-3 nhưng đến nay mới có 26 tỉnh, thành phố nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp và tiến hành giải ngân.
Xem thêm: mth.10080458020802202-meid-poh-ort-gnohp-uam-nouhk-ob-aox/nv.ertiout