Từ những phản ánh của người dân, nhóm PV Người Đưa Tin đã thâm nhập một mỏ đất rộng hàng chục hecta, bao gồm nhiều ngọn đồi được khai thác rầm rộ tại ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Theo dấu những chiếc xe ben chở đầy đất chạy ra từ Ngã Ba Phân Trường nằm trên Tỉnh lộ 767 thuộc địa bàn xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), chúng tôi rẽ vào hơn 2km là tới địa phận thuộc ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu.
Tại đây, chúng tôi phát hiện một mỏ đất đang được khai thác rộng hàng chục hecta bao gồm nhiều ngọn đồi nằm liền kề nhau. Mỏ đất được khai thác theo kiểu giật tầng để lấy đất hiếm từ tầng âm sâu nhất. Lối vào khu mỏ được che chắn bằng một chiếc cổng sắt to và chỉ mở khi có xe ben ra vào.
Ngoài ra, đường vào khu mỏ chỉ có một lối đi độc nhất và rất ít người đi vào đây, trừ một vài người chăn dê. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì rất khó phát hiện ra mỏ đất trên vì xung quanh là những tán rừng tràm che phủ kín mít. Nhưng nếu nhìn từ trên cao thì không khó nhận diện mức độ, quy mô của mỏ đất trên.
Theo quan sát của chúng tôi, phía trên mặt của mỏ đất là lớp đất sỏi đỏ, phía dưới là đất sét trắng (loại nguyên liệu dùng cho sản xuất gạch men, gốm sứ).
Tại thời điểm chúng tôi bí mật ghi hình có một xe múc vẫn đang hoạt động và một xe ben đang chờ lấy đất. Sau khi lấy đất xong thì chiếc xe ben rời khỏi mỏ và chạy ra đường Cây Xoài, hướng về các cảng nội địa nằm trên sông Đồng Nai thuộc xã Tân An.
Theo một người làm trong nghề sản xuất đồ gốm cho biết, đối với đất sỏi đỏ giá hiện tại nếu bán ngay tại mỏ thì có giá từ 80.000 đến 100.000/m3, còn với đất sét trắng tầm 70.000 đến 90.000/m3, còn nếu khai thác và vận chuyển tận nơi thì giá thành cao hơn rất nhiều.
Như vậy, một xe ben vận chuyển đất ở thời điểm chúng tôi ghi hình có giá khoảng 1,2 triệu đồng/xe.
Rời khỏi hiện trường mỏ đá, chúng tôi có mặt tại UBND xã Tân An để tìm hiểu thông tin từ cơ quan chức năng.
Trao đổi với Người Đưa Tin về mỏ đất trên, ông Võ Ngọc Đông – Phó Chủ tịch xã Tân An phụ trách về kinh tế cho biết: "Chính quyền địa phương cũng đã từng nhận được phản ánh về việc khai thác mỏ đất trên và cũng đã từng kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, chính quyền địa phương xác định mỏ đất trên có dấu hiệu đang vi phạm nên đã báo cáo lên Công an huyện Vĩnh Cửu, và UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo và thẩm quyền xử lý vi phạm".
Ông Võ Ngọc Đông còn cho biết thêm, mỏ đất đóng cửa suốt nên ngay cả chính quyền địa phương vào kiểm tra cũng rất khó khăn. Trước kia, khu vực này là điểm tập kết đất nhưng không rõ nguồn khai thác ở đâu, sau này mới khai thác luôn.
Với một mỏ đất rộng hàng chục hecta như mỏ đất mà chúng tôi phát hiện, nếu tính theo giá thị trường hiện tại, doanh số mà chủ mỏ đã thu được khoảng hơn 100 tỷ đồng. Một con số khủng về lợi nhuận nhưng lại chẳng phải đóng một đồng thuế nào cho ngân sách nhà nước.
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước để phát triển và xây dựng đất nước, trong đó có nguồn thu từ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản. Việc một mỏ đất có quy mô lớn khủng khiếp lại hoạt động “chui”, gây sự thất thoát quá lớn cho ngân sách nhà nước là điều không thể chấp nhận.
Hiện, người dân đang chờ sự vào cuộc điều tra, xử lý cũng như biện pháp truy thu nguồn lợi nhuận bất hợp pháp từ việc khai thác “chui” đối với mỏ đất trên của chính quyền tỉnh Đồng Nai.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nhóm PV