Cuối tháng 7 vừa qua, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, giới thiệu sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em cùng phần mềm dinh dưỡng cho các phóng viên.
TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, chiều cao trung bình của nữ giới tăng từ 152,3 cm (năm 2000) lên 155,6 cm (năm 2020); nam giới từ 162,3 cm (năm 2000) lên 168,1 cm (năm 2020). Chiều cao trung bình của người Việt đang đứng thứ 4 khu vực ASEAN, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Theo TS Trần Đăng Khoa, Việt Nam rất cố gắng các can thiệp tăng chiều cao, kết quả cũng được cải thiện trong những năm qua, nhưng so với các quốc gia khác ở châu Á như Nhật Bản, chiều cao trung bình của người Việt còn thấp.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế phát biểu khai mạc tại Hội thảo. Ảnh: TTTT- Bộ Y tế
Để cải thiện chiều cao người Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em cho rằng cần quá trình lâu dài như bảo đảm dinh dưỡng, bổ sung vi chất, chăm sóc hệ gene...
"Trong can thiệp dinh dưỡng, chúng tôi chú trọng đến các can thiệp chuyên môn, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm bổ sung các vi chất để tăng cường cải thiện chiều cao kết hợp lồng ghép vận động thể lực, sinh hoạt một cách khoa học. Như vậy, chúng ta mới có thể cải thiện được chiều cao nhiều hơn trong những năm tới", TS. Trần Đăng Khoa nói.
Cũng tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Trần Đăng Khoa cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em những năm qua đạt nhiều thành tích. Các chỉ số giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em và giảm suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, tại nước ta hiện nay, mỗi ngày có 39 em bé dưới 28 ngày tuổi tử vong. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đang chiếm tới 80% số ca tử vong đối với trẻ dưới 1 tuổi. Bên cạnh đó, sau khi trẻ ra đời, sự chăm sóc nuôi dưỡng cũng ảnh hưởng đến của trẻ sơ sinh… Nguyên nhân được cho là do ở xa cơ sở y tế, nhiều người mẹ vùng khó khăn phải sinh con tại nhà, không được chăm sóc y tế kịp thời, đúng cách, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Ngoài ra, chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản hiện nay chưa được quan tâm đúng mức cũng góp phần làm cho tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh vẫn ở mức cao.
Tỷ lệ phá thai ở Việt Nam giảm mạnh
Về tỷ lệ nạo phá thai. Theo thông tin từ WHO, hàng năm trên toàn cầu có gần 42 triệu ca phá thai (trong đó các nước phát triển gần 8 triệu ca; các nước đang phát triển là gần 38 triệu ).
TS Khoa thông tin, tỷ lệ phá thai ở Việt Nam đã giảm mạnh từ 37 ca trên 100 ca sinh đẻ (2005) xuống còn 10 ca (2021). So sánh với giai đoạn 1990-1995, trung bình cứ 1 ca đẻ thì có 1 ca phá thai, hiện nay 10 ca đẻ mới có 1 ca phá thai. Tổng số ca phá thai đã giảm từ gần 400 nghìn ca (năm 2010) xuống dưới 200 nghìn ca (2019).
Tỷ lệ mang thai vị thành niên cũng giảm. Theo đó, năm 2010, Việt Nam có trên 62 nghìn ca mang thai ở tuổi vị thành niên (2,9%) năm 2019, con số này giảm xuống còn 55 nghìn ca (chiếm 2,4%). Tỷ lệ phá thai vị thành niên có xu hướng giảm. Cụ thể năm 2010, có gần 9.100 ca nạo phá thai, năm 2019 con số này còn 2.300 ca.
Nguyễn Phượng
Theo Trí Thức Trẻ