Tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn là hai trong số các vũ khí quan trọng nhất mà Nga sử dụng trong cuộc xung đột với Ukraine.
Những tên lửa này có thể vươn tới khắp các vùng lãnh thổ của Ukraine, cho phép Nga tấn công cơ sở hạ tầng quân sự, đặc biệt là ở miền đông Ukraine, nơi các loại vũ khí và thiết bị quân sự của phương Tây đang được chuyển tới.
Khoảnh khắc một tên lửa Nga trước khi tấn công một một tòa nhà ở TP Kremenchuk của Ukraine hồi tháng 6. Ảnh: Security Service of Ukraine/Screengrab, Telegram |
Nga đã phóng hàng ngàn tên lửa kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine hôm 24-2. Theo trang Business Insider, dù kho vũ khí của Nga gồm nhiều loại tên lửa hiện đại có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác, song nước này vẫn đang triển khai các loại tên lửa cũ hơn, ít chính xác hơn có từ thời Liên Xô tại Ukraine.
Tên lửa phóng từ trên biển
Nhiều loại tên lửa của Nga được sử dụng tại Ukraine đã được phóng từ tàu chiến hoặc tàu ngầm, phổ biến nhất là tên lửa hành trình 3M-14 Kalibr.
Dàn tên lửa Kalibr (NATO định danh là SS-N-30A) bao gồm các biến thể diệt hạm, chống ngầm và tấn công đất liền có thể phóng từ tàu chiến, tàu ngầm và máy bay.
Tên lửa Kalibr có thể tiến hành các cuộc tấn công chính xác sử dụng hệ thống định vị vệ tinh, có tầm bắn 1.600 km - 2.400 km. Loại tên lửa này có thể mang đầu đạn nổ thông thường nặng hơn 450 kg và thường được so sánh với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
Kalibr là một trong những tên lửa mới nhất và tiên tiến nhất có trong kho tên lửa của Nga, được biên chế chính thức năm 1994. Tên lửa được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào tháng 10-2015, thời điểm các tàu chiến của Nga tại biển Caspi bắn 26 quả tên lửa Kalibr vào các mục tiêu ở Syria nằm cách xa 1.700 km.
Tàu ngầm Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr nhằm vào các mục tiêu của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria tháng 9-2017. Ảnh: Vadim Savitsky/TASS/ Getty Images |
Ngoài ra, Hải quân Nga còn sử dụng tên lửa hành trình diệt hạm P-800 Oniks (NATO định danh là SS-N-26). Tên lửa P-800 Oniks có tầm bắn 322 km, vận tốc tối đa 2.450 km/giờ. Tên lửa có thể mang đầu đạn nặng 200 kg - 250 kg tùy vào nhiệm vụ.
Được biên chế năm 2002, P-800 Oniks chủ yếu được phóng từ tàu chiến và tàu ngầm. Năm 2015, Hải quân Nga chính thức sử dụng hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động Bastion, cho phép tên lửa P-800 Oniks phóng từ các bệ phóng di động trên mặt đất.
Khả năng tấn công chính xác của tên lửa Kalibr đã khiến các chỉ huy của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu - lo lắng với xác suất sai số vòng tròn (circular error probability - CEP) ước tính dưới 6 m. Còn đối với tên lửa Oniks, xác xuất sai số vòng tròn là 1,5 m.
Tên lửa phóng từ đất liền
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn phóng từ đất liền của Nga đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc xung đột với Ukraine, đặc biệt là tên lửa Tochka-U và Iskander-M. Theo cách gọi của NATO lần lượt là SS-21 Scarab và SS-26 Stone, hai loại tên lửa này đại diện cho thế hệ tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong quá khứ và ở thời điểm hiện tại của Nga.
Tochka-U được ra mắt năm 1989, là phiên bản nâng cấp của tên lửa Tochka vốn được Liên Xô biên chế năm 1975. Được phóng từ xe mang phóng tự hành (mobile transporter-erector-launcher - TEL), tên lửa Tochka-U có tầm bắn 120 km, có khả năng mang đầu đạn nổ nặng 453 kg, một đầu đạn nổ phân mảnh hoặc đầu đạn hạt nhân 100 kiloton.
Xe TEL của Tochka-U mất 16 phút để khởi động, còn nạp một tên lửa khác vào bệ phóng mất khoảng 20 phút. Xe TEL có các hệ thống lọc hạt nhân, sinh học và hóa học để đảm bảo an toàn cho kíp vận hành.
Mảnh vỡ tên lửa Tochka-U được nhìn thấy sau một cuộc tấn công nhằm vào nhà ga ở TP Kramatorsk của Ukraine hồi tháng 4. Ảnh: Andriy Andriyenko/AP |
Được giới thiệu vào năm 2006, tên lửa Iskander-M được thiết kế để thay tế tên lửa Tochka-U. Iskander-M có tầm bắn 400 km - 500 km, có thể mang đầu đạn nổ nặng 480 kg - 700 kg. Iskander-M còn có thể mang đầu đạn nhiệt áp, đầu đạn phân mảnh, đầu đạn hạt nhân hay đầu đạn có khả năng xuyên phá các mục tiêu trong lòng đất.
Iskander-M được phóng từ một xe TEL có thể mang hai tên lửa. Bệ phóng này cũng có thể được trang bị các ống phóng dành cho tên lửa hành trình, có khả năng chống lại các cuộc tấn công hạt nhân, sinh học và hóa học.
Tên lửa Tochka-U có xác suất sai số vòng tròn là khoảng 91 m, trong khi xác suất sai số vòng tròn của Iskander-M là 1,8 m - 4,8 m.
Tên lửa phóng từ trên không
Dẫu Nga vẫn chưa giành quyền kiểm soát vùng trời ở Ukraine song nước này tiếp tục phóng các tên lửa hành trình phóng từ trên không nhằm vào các mục tiêu của Ukraine. Loại tên lửa phóng từ trên không mới nhất trong số này là tên lửa hành trình Kh-101 và tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal.
Tên lửa Kh-101 được giới thiệu năm 2012, có tầm bắn 2.400 km - 2.700 km. Kh-101 có thể mang đầu đạn nổ nặng 450 kg hoặc được trang bị đầu đạn phân mảnh hoặc đầu đạn hạt nhân. Việc sử dụng hệ thống định vị vệ tinh và hệ thống máy tính tiên tiến cho phép tên lửa thực hiện các cuộc tấn công chính xác với xác suất sai số vòng tròn ước tính 6 m.
Tiêm kích MiG-31K của Không quân Nga mang tên lửa Kh-47M2 Kinzhal bay qua Moscow ngày 9-5-2018. Ảnh: Alexander Zemlianichenko/AP |
Kinzhal là một trong những vũ khí tiên tiến nhất và mới nhất của Nga, cũng là một trong số ít tên lửa siêu thanh đang được biên chế.
Được phóng từ phiên bản nâng cấp máy bay đánh chặn MiG-31 hoặc máy bay ném bom chiến lược, tên lửa Kinzhal có tầm bắn 1.600 km – 1.900 km, có thể mang đầu đạn nặng 453 kg. Loại tên lửa này có thể đạt tốc độ Mach 10 (12.250 km/giờ) và giống như các loại tên lửa siêu thanh khác, Kinzhal có khả năng cơ động trong quá trình bay, khiến nó gần như không thể bị đánh chặn.
Kinzhal đã trở thành vũ khí siêu thanh đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu, khi máy bay Nga phóng tên lửa loại này vào một kho chứa dưới lòng đất ở phía tây Ukraine hôm 18-3.
Nga cũng đã sử dụng tên lửa phóng từ trên không ít tiên tiến có từ thời Liên Xô, cụ thể là tên lửa diệt hạm Kh-22 (được giới thiệu năm 1968 để tiêu diệt tàu sân bay) và tên lửa hành trình Kh-55 (được giới thiệu năm 1984).
Tên lửa Kh-22 có tầm bắn 643 km, mang đầu đạn nặng 1 tấn, trong khi tên lửa Kh-55 có tầm bắn hơn 2.400 km và mang đầu đạn nặng 408 kg. Tuy nhiên, độ chính xác của hai tên lửa này không cao. Ước tính xác suất sai số vòng tròn của Kh-22 là hơn 91 m, còn Kh-55 là 24 m. Kh-32, phiên bản nâng cấp của tên lửa Kh-22 đã được cải thiện tầm bắn và tải trọng.
Hiệu quả chiến trường
Nhìn chung cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đem lại tác động lớn trong cuộc xung đột. Nhiều video cho thấy Nga phóng tên lửa Kalibr từ tàu mặt nước và tàu ngầm vào các mục tiêu của Ukraine trong cuộc xung đột.
Lực lượng cứu hộ tại một tòa nhà bị trúng tên lửa hành trình của Nga ở TP Mykolaiv của Ukraine hồi tháng 3. Ảnh: State Emergency Service of Ukraine/Handout/ REUTERS |
Các tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Nga phóng từ Belarus hoặc từ lãnh thổ Nga đã đánh trúng các căn cứ quân sự và sân bay của Ukraine. Các máy bay ném bom như Tu-22M, Tu-95 và Tu-160 cũng được cho phóng tên lửa vào các mục tiêu tương tự trong khi bay qua vùng trời Belarus hoặc qua Biển Đen nhằm tránh hệ thống phòng không của Ukraine.
Các cuộc không kích đã gây khó khăn cho Không quân Ukraine trong quá trình hoạt động tại các sân bay và phá hủy nhiều lô vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Kiev.
Dù vậy, theo giới quan sát, việc Nga sử dụng những loại tên lửa kém tinh vi như Kh-55 và Tochka-U và sử dụng tên lửa diệt hạm như Kh-22 và P-800 Oniks để tấn công các mục tiêu mặt đất của Ukraine cho thấy Moscow đang gặp khó khăn trong việc bổ sung các loại vũ khí hiện đại và chính xác hơn vào kho dự trữ.