Là hộ nghèo lâu năm của tiểu khu Hua Ít, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, thu nhập mỗi năm gia đình ông Lèo Văn Binh chỉ trông chờ vào nương ngô, nương sắn cằn cỗi.
Năm 2015, ông Binh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư thêm đất, chuyển đổi vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện đất đồi, nắng nóng tại địa phương. Năm 2018, ông Binh tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng, lãi xuất gần 0,3%/tháng từ Ngân hàng chính sách xã hội để mua thêm cây giống, con giống về phát triển kinh tế.
Sau nhiều năm, nương ngô, nương sắn đã trở thành mô hình kinh tế tổng hợp, rộng hơn 1 héc ta với 100 gốc nhãn ghép, 150 gốc bưởi da xanh, xoài Đài Loan, mít Thái, cùng với đó là 10 con trâu, bò và đàn gia cầm thả vườn.
Ông Lèo Văn Binh chia sẻ, vụ mùa vừa qua, mô hình kinh tế của gia đình bắt đầu cho thu lãi, đạt hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí; những năm tiếp theo, các loại cây sinh trưởng đầy đủ, giá thành sản phẩm tốt sẽ cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng.
“Gia đình tôi vay được vốn thì mua bò, mua đất để trồng cây ăn quả; nhờ nguồn vốn đó bây giờ gia đình có vườn cây ăn quả ổn định, trâu bò phát triển, quả đến vụ thu hoạch thì có xe của thương lái đến tận nương lấy”, ông Lèo Văn Binh nói.
Với 40 biên chế và 50 lao động thời vụ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hữu Hảo Tây Bắc ở bản Văn Minh, xã Mường Bú, huyện Mường La hoạt động khai thác khoáng sản, sản lượng ước đạt 2.500 – 3.000 mét khối đá thành phẩm/tháng; đồng thời công ty cũng thực hiện xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng và vận tải hàng hóa đường bộ. Do ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 kéo dài vừa qua, công ty gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chi trả tiền lương cho công nhân.
Ông Đỗ Xuân Hảo, Giám đốc Công ty cho biết, từ nguồn vốn ưu đãi, lãi suất 0% của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, Công ty đã phần nào chi trả được tiền lương, từ đó tạo động lực để anh chị em trong công ty yên tâm lao động sản xuất ngay trong mùa dịch bệnh.
Ông Tạ Văn Toàn, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Sơn La cho biết, trong 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được phủ sóng đến 100% các bản, tiểu khu, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đã giúp cho hàng trăm ngàn hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; nhiều hộ gia đình dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn vay vốn để đầu tư mua sắm trang thiết bị, cây giống, con giống chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương và góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Riêng năm 2021 vừa qua, doanh số cho vay đạt hơn 1.459 tỷ đồng; doanh số thu nợ là hơn 1.178 tỷ đồng; tổng dư nợ trên 4.964 tỷ đồng; đa số người vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả, các thành viên đều chấp hành tốt việc trả lãi, trả nợ đến hạn và tiền tiết kiệm theo quy định.
Qua 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ tại tỉnh Sơn La, hoạt động tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả thiết thực, đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội, gắn bó mật thiết với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau./.
Xem thêm: vov.474069tsop-ohk-touv-oehgn-iougn-ohc-cul-gnod-iad-uu-yav-nov/et-hnik/nv.vov