Với người Đức cũng như trên toàn thế giới, tuyển tập "Truyện cổ tích anh em nhà Grimm" đã không còn xa lạ. Từ cách đây 200 năm, hai vị tác gia người Đức này đã sáng tác nên câu chuyện về Karl Katz, một phần của tuyển tập những câu chuyện cổ tích.
Anh chàng chăn cừu Katz sống ở vùng cao nguyên Harz miền trung nước Đức trong một lần đi tìm dê lạc đàn đã lọt vào hàng động để rồi bị cám dỗ bởi người lạ, uống một lọ thuốc rồi ngủ thiếp đi. Đến khi tỉnh lại, Katz nhận ra đã nhiều năm trôi qua và thế giới bên ngoài đã thay đổi hoàn toàn.
Tuyển tập truyện cổ tích anh em nhà Grimm
Tờ Economist nhận định tình cảnh người Đức hiện nay chẳng khác gì câu chuyện của Katz khi họ ngủ mơ trong danh hiệu "Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu" để rồi chợt nhận ra nền kinh tế của mình cũng dễ bị tổn thương nếu thiếu dầu Nga.
Tỉnh giấc
Kể từ sau khi thống nhất 2 miền Đông Tây, người Đức với sự giàu có của mình đã chìm đắm trong thành công. Những bước đột phá cả về kinh tế, ngoại giao đã khiến họ tưởng rằng hệ thống chính trị-kinh tế của đất nước hoạt động hoàn hảo.
Theo Economist, nền kinh tế Đức dần bị dẫn lối bởi sự huyễn hoặc phi thực tế thay vì một tầm nhìn thực dụng. Hàng loạt chính trị gia kêu gọi cử tri về một sự thịnh vượng mà ít phải đánh đổi về môi trường, về cái gọi là giảm khí thải nhà kính về 0.
Thế rồi, cuộc xung đột Ukraine đã đánh thức người Đức. Tuy nhiên thay vì thức tỉnh ở tương lai như nhân vật cổ tích Katz thì Đức lại nhận ra họ thụt lùi hàng chục năm về trước. Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 4 thế giới tính theo tổng GDP thay vì hưởng thụ sự thịnh vượng mà mọi người tưởng tượng thì nay lại đang phải gồng mình trước cơn khát năng lượng và nguy cơ suy thoái do lạm phát.
Đến tận đây, người Đức mới nhận ra nền kinh tế hưng thịnh mà họ vẫn mơ tưởng hóa ra lại không chỉ dựa vào sự lao động cần cù của người dân như trong truyện cổ tích mà còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu giá rẻ từ Nga và lực lượng lao động nhập cư nước ngoài.
Nói cách khác, tờ The Economist nhận định người Đức đã ngủ mơ nhiều năm trên thành công về kinh tế, ngoại giao và giờ đây họ bất chợt lâm nguy thì mới nhận ra sự thực phũ phàng.
Theo Economist, nền kinh tế Đức phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung dầu khí từ Nga. Yếu tố đầu tiên là nguồn dầu khí này rất rẻ khiến tỷ lệ khí đốt Nga chiếm tới 55% thị phần nước Đức, cao hơn nhiều so với 30% cách đây 20 năm.
Nguồn: BP Statistical Review of World Energy 2020.
Bên cạnh đó, chính quyền Berlin cũng tự tin từ bỏ các nguồn năng lượng bẩn vì cho rằng nền kinh tế của họ có thể đạt sự thịnh vượng mà không cần phát thải. Lấy ví dụ mảng năng lượng hạt nhân, khi sóng thần gây ảnh hưởng đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản năm 2011, Thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel cùng nội các đã quyết định đóng cửa một nửa sản lượng điện hạt nhân của nước này chỉ trong 1 đêm.
Đức cũng ấn định ngày đóng cửa tháng 12/2022 với 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, một động thái chỉ thu hút sự chú ý của dư luận khi khủng hoảng thiếu điện diễn ra.
Xin được nhắc điện năng hay năng lượng là yếu tố cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế-xã hội. Không phải tự nhiên mà Trung Quốc chiếm đến 27,8% tổng sản lượng điện của thế giới, cao hơn cả Mỹ (6,3%), Ấn Độ (5,8%) theo báo cáo năng lương toàn cầu năm 2020 của BP Statistic Review.
Muốn gia tăng sản lượng, phát triển công nghệ hay đơn thuần là sưởi ấm cho người dân qua mùa đông lạnh giá thì không thể không có điện, khí đốt hay năng lượng. Mọi lời hứa về đổi mới, cải cách, thịnh vượng hay bảo vệ môi trường sẽ trở nên vô nghĩa nếu người dân không được đảm bảo những nhu cầu cơ bản nhất.
Thế nhưng trước sức hút từ viễn cảnh thịnh vượng nhưng vẫn bảo vệ môi trường, câu chuyện chấm dứt điện hạt nhân vẫn thu hút được nhiều cử tri hơn là so với việc đảm bảo an ninh năng lượng. Cho đến tận hiện tại, các chính trị gia vẫn đang tranh cãi liệu Đức có nên đóng cửa nốt 3 nhà máy điện hạt nhân hay không, một điều không tưởng trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.
Quỹ tiền tệ quốc tế ước tính nền kinh tế Đức sẽ mất 4,8% GDP nếu Nga dừng cung khí đốt, với thiệt hại lên đến 225 tỷ USD.
Nỗi sợ khai thác đá phiến
Tờ Economist nhận định bước đi thiếu khôn ngoan nhất của người Đức là bỏ bê ngành khí đốt của nước nhà. Mặc dù không có nhiều tài nguyên dầu khí như láng giềng Hà Lan nhưng trữ lượng cũng không hề nhỏ, vào khoảng ít nhất 800 tỷ mét khối. Tính đến năm 2000, Đức đã khai tác được khoảng 20 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm, đáp ứng được ¼ nhu cầu cả nước.
Đức phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga
Thế nhưng thay vì gia tăng sản lượng, Đức lại bỏ bê ngành này để chuyển hướng nhập khí đốt giá rẻ từ Nga nhằm bảo vệ môi trường. Hậu quả là sản lượng khai thác giảm xuống chỉ còn 5-6 tỷ mét khối/năm, chỉ bằng 10% lượng dầu khí nhập từ Nga.
Một yếu tố nữa khiến ngành khai thác dầu khí tại Đức đi thụt lùi là nỗi sợ công nghệ dầu đá phiến. Do đặc điểm địa lý nên hầu hết các mỏ khai thác dầu khí của Đức chỉ có thể sử dụng công nghệ phá đá thủy lực (Hydraulic Fracking).
Tuy nhiên người dân Đức lại có nỗi sợ không thành lời với công nghệ này. Đến nỗi vào năm 2017, chính quyền Thủ tướng Merkel đã ra lệnh cấm hoạt động khai thác thương mại dầu đá phiến dù chúng đã được dùng kể từ thập niên 1950 đến nay mà không có một tai nạn hay sự cố ô nhiễm môi trường nào.
Nỗi sợ của người Đức bắt nguồn từ năm 2008 khi tập đoàn dầu khí Exxon của Mỹ đề xuất mở rộng khai thác dầu đá phiến tại miền Bắc nước này. Thế rồi hàng loạt nhà hoạt động môi trường nổi lên phản đối, loan những tin đồn về việc công nghệ này gây ra phóng xạ, dị tật bẩm sinh, mất cân bằng hormone, thải ra chất thải độc hại và gây chết cá vì ô nhiễm môi trường.
"Cuối cùng chúng tôi cùng từ bỏ chuyện giải thích công nghệ khai thác dầu đá phiến là an toàn. Tôi chẳng thể trách những người dân không hiểu gì về địa chất mà lại chỉ đi tin những chuyện kinh dị". chuyên gia Hans Joachim Kumpel, Cựu lãnh đạo cơ quan tư vấn chính phủ Đức về khoa học địa chất thờ dài
Tờ Economist nhận định người Đức có vẻ thích những câu chuyện cổ tích, thế nhưng thực tại thì chẳng có phép màu nào cả.
Các nhà khai thác dầu khí cho biết với công nghệ dầu đá phiến hiện nay thì họ có thể nâng gấp đôi sản lượng trong vòng 18-24 tháng. Ở mức độ khai thác đó, Đức sẽ có đủ trữ lượng khí đốt trong vòng 100 năm và giảm 15 tỷ USD nhập khẩu năng lượng mỗi năm. Và đây không phải câu chuyện cổ tích gì.
*Nguồn: The Economist
http://tintuc.vdong.vn/08/1450401.htmHuyền Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.39263901120802202-caig-hnit-auv-ua-uahc-tahn-nol-et-hnik-nen-cud/nv.zibefac