Cần nỗ lực bình ổn giá hàng hóa
Ngày 2/8, ghi nhận của Người Đưa Tin tại Tp.HCM cho thấy, hàng hóa vẫn được mua - bán theo mức giá tương tự những ngày trước đó. Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, Tp.HCM cho biết, giá rau củ quả, trái cây về chợ được giữ ổn định từ đầu tháng 7 tới nay.
Theo ông Phương, đặc thù của hàng nông sản là phụ thuộc nhiều vào thời tiết vùng trồng và chi phí trồng trọt, còn chi phí vận chuyển chỉ chiếm phần rất nhỏ. Ngoài ra, theo một số nhà xe vận chuyển hàng nông sản tuyến Đà Lạt – Tp.HCM, trong thời gian xăng tăng giá, họ phải đàm phán rất lâu mới được tăng một phần giá cước vận chuyển nên hiện chưa có kế hoạch giảm giá cước.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Vận hành chuỗi Co.opmart nhìn nhận, diễn biến giảm giá xăng dầu liên tục trong hơn 1 tháng qua đã góp phần giúp nhà phân phối kìm hãm được đà tăng giá hàng hóa. Tuy nhiên, do doanh nghiệp phải nhập, trữ nguyên liệu từ nhiều tháng trước nên khó có thể giảm giá ngay theo nhịp điệu giảm giá xăng.
“Dù vậy, ngay khi Chính phủ có công điện chỉ đạo về việc kiểm soát giá hàng hóa sau khi giá xăng dầu giảm, chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị nhà cung cấp tính toán lại chi phí để có mức giá phù hợp hơn”, ông Thắng thông tin thêm.
Từ 15h ngày 1/8, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá xăng RON95 với mức 462 đồng/lít còn 25.608 đồng/lít; giảm giá xăng E5RON92 444 đồng/lít còn 24.629 đồng/lít.
Tương tự, dầu diesel giảm 950 đồng/lít, giá bán lẻ 23.908 đồng/lít; dầu hỏa giảm 713 đồng/lít, còn 24.533 đồng/lít. Như vậy, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã giảm lần thứ 4 liên tiếp.
Tuy nhiên, việc giảm giá xăng dầu chưa tạo được hiệu ứng mạnh với mặt bằng giá cả hàng hóa trên thị trường.
Cần nhiều yếu tố khác mới có thể giảm giá
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA) cho rằng, trong nửa đầu năm nay, cùng với giá xăng dầu, giá hàng hóa đã tăng khá cao và đã tạo lập một mặt bằng giá mới, ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu, cuộc sống của người dân.
Hiệp hội có nhiều doanh nghiệp thành viên tham gia bình ổn hàng hóa thị trường Tp.HCM, nên việc điều chỉnh tăng giá bán của các doanh nghiệp này cũng không dễ dàng. Một số doanh nghiệp không tham gia chương trình bình ổn thị trường khi điều chỉnh giá bán cũng là đã “hết sức chịu đựng”.
Cũng theo ông Dũng, giá cả “leo thang” thời gian qua do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có giá xăng dầu tăng cao.
Tuy nhiên, yếu tố quyết định chính giá thành sản phẩm không phải chỉ là giá xăng dầu tăng cao mà là giá nguyên liệu sản xuất và chi phí nhân công lại đang tăng. Hiện nay, các yếu tố này cùng chi phí vận chuyển, bao bì, vật tư, chi phí điện, nước… đều chưa có dấu hiệu giảm.
Giá xăng dầu giảm có thể tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải, logistics nhưng những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đang trong tình trạng ngóng xem giá xăng giảm có bền vững chưa vì cho rằng giá xăng dầu giảm ở các kỳ điều chỉnh gần đây chỉ mang tính thời điểm, xu hướng chưa rõ ràng.
Còn ngành thực phẩm và chế biến thực phẩm bị tác động nhiều về nguồn cung ứng sau 2 năm ảnh hưởng đại dịch. Ngành nông nghiệp trong nước đang nỗ lực khôi phục nhưng chưa thể về được trạng thái như trước dịch. Vì thế một số nguyên liệu vẫn còn thiếu và giá bán cao.
Ngay cả thực phẩm nhập khẩu cũng bị hạn chế hơn do nhiều nước đối mặt với tình trạng lạm phát, thiếu hụt nguồn cung.
“Thời gian qua, doanh nghiệp đã chấp nhận hoạt động không hiệu quả để duy trì sản xuất nên dù giá xăng dầu giảm mạnh cũng chưa đủ để đưa giá hàng hóa trên thị trường về trạng thái cân bằng mà cần sự hạ nhiệt của nhiều yếu tố đầu vào khác”, ông Dũng chỉ ra.