Liên quan đến vụ việc "Bắt giữ thành công đối tượng mang súng AK cướp tiệm vàng ở Huế", chiều 2/8, trao đổi với PV, tiến sĩ Trần Văn Hải, Trưởng bộ môn Luật Tố tụng hình sự, Khoa Luật hình sự, Trường đại học Luật - đại học Huế cho biết, có thể nói, vụ cướp tiệm vàng xảy ra ở Huế vào giữa trưa ngày 31/7 tại chợ Đông Ba do đối tượng Ngô Văn Q., SN 1984, trú Tx.Hương Thủy, đối tượng là cán bộ trại giam Bình Điền thực hiện là một vụ án khá đặc biệt và có nhiều điểm bất thường.
Theo tiến sĩ Hải, xét về mục đích gây án, thường thì các vụ án cướp tài sản thường xuất phát từ ý định chiếm đoạt tài sản của các đối tượng, thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản để có tiền tiêu xài hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của cuộc sống. Tuy nhiên, trong vụ án này, Q. thực hiện hành vi cướp tài sản sau đó lại ném ra đường cho mọi người nhặt.
"Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội lại là một cán bộ công an, đang công tác tại cơ sở trại giam và có bậc hàm đại úy. Có thể nói, đối tượng là người làm trong đơn vị lực lượng vũ trang với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm lại thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản. Người phạm tội và hành vi phạm tội rất công khai, thông thường các đối tượng dùng vũ khí để cướp tài sản hay bịt mặt, đeo găng tay... để che đậy bản thân nhằm không để camera hay người khác biết được mình. Thế nhưng, trong vụ án này, Q. không hề che đậy bản thân, thậm chí còn mặc quân phục và sử dụng súng AK để gây án. Với những biểu hiện trên, có thể thấy rằng, đây là một vụ án cướp tài sản rất đặc biệt và trong lịch sử tư pháp hình sự Việt Nam chưa hề xảy ra vụ việc tương tự", tiến sĩ Hải nói.
Tiến sĩ Hải phân tích thêm, trong vụ án này, nếu xét ở cơ chế tâm lý xã hội của hành vi phạm tội đối với đối tượng Q., có thể thấy, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái tinh thần không được ổn định, thậm chí là có biểu hiện của tâm thần. Trạng thái tâm lý này có thể do bệnh lý của người phạm tội, hoặc là do những yếu tố khách quan từ môi trường sống như áp lực từ gia đình, công việc, tình cảm… gây ra.
Cũng theo tiến sĩ Hải, chính điều này, hình thành nên tâm lý tiêu cực ở người phạm tội, và vì họ bị hạn chế (thậm chí mất) khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi nên đã thực hiện hành vi phạm tội để cố gắng giúp bản thân thoát ra khỏi tâm lý tiêu cực đó. Do vậy, ở đây, để nắm bắt được nguyên nhân và động cơ gây án, cũng như áp dụng trách nhiệm hình sự phù hợp cần phải tiến hành giám định đối với người phạm tội.
Trước đó, khoảng 12h30 cùng ngày, đối tượng Ngô Văn Q. sử dụng súng AK xông vào 2 tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi nổ súng chỉ thiên uy hiếp chủ tiệm rồi cướp vàng. Ngay sau đó, đối tượng Q. đem số vàng cướp được vứt ra phía vỉa hè rồi đi bộ đến khu vực cầu Gia Hội, Tp.Huế.
Nhận được tin báo, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo lực lượng chức năng của Công an Tỉnh, Công an Tp.Huế nhanh chóng có mặt tại hiện trường để triển khai các biện pháp nghiệp vụ đồng bộ khoanh vùng, ngăn không để người dân di chuyển vào hiện trường, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời lên phương án vây bắt đối tượng.
Khi lực lượng chức năng xác định được vị trí của Q., đối tượng đã yêu cầu được nói chuyện với đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ngay sau đó, đại tá Đặng Ngọc Sơn đã gặp gỡ, nói chuyện, động viên thuyết phục đối tượng Q. đồng ý hạ và giao nộp vũ khí.