Hôm nay, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sẽ họp để thảo luận về chiến lược sản xuất. Việc này diễn ra sau chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước, nhằm vận động nước này tăng sản lượng để kiềm chế giá nhiên liệu đang tăng cao.
OPEC+, dẫn đầu bởi Saudi Arabia và Nga, đến nay vẫn phớt lờ sức ép của Mỹ về việc nâng sản xuất mạnh tay. Sau khi giảm sản xuất năm 2020 do giá dầu đi xuống vì đại dịch, OPEC+ bắt đầu nâng trở lại từ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng khá khiêm tốn. Tổ chức này sẽ họp mỗi tháng để đánh giá lại chính sách.
Sản lượng của OPEC+ được cho là đã quay về mức tiền đại dịch. Tuy nhiên, đây chỉ là con số trên giấy, do gần như toàn bộ 23 nước thành viên đều đang chật vật đáp ứng mục tiêu sản lượng của mình.
Craig Erlam – nhà phân tích tại OANDA cho rằng cuộc họp lần này của OPEC+ sẽ cho thấy liệu "Tổng thống Biden có sức ảnh hưởng với liên minh này hay không". Tháng trước, ông Biden tới Saudi Arabia, một phần để thuyết phục nước này nới lỏng sản xuất nhằm bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát. Trước đó, quan hệ ngoại giao của hai nước xuống cấp do vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi và vai trò của Saudi Arabia trong cuộc chiến ở Yemen.
Tổng thống Mỹ cho biết sau cuộc họp với giới chức Saudi rằng ông đang "làm tất cả những gì có thể" để tăng cung dầu. Tuy nhiên, sau cuộc gặp riêng với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và cuộc gặp Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) hôm 16/7, Biden lên đường trở về Washington mà không có bất kỳ thông báo chính thức nào về tăng sản lượng dầu được đưa ra.
Khi được hỏi về kết quả này, Tổng thống Mỹ vẫn cho rằng các lãnh đạo khu vực sẽ sớm hành động khi cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào đầu tháng 8. Tuy nhiên, giới phân tích thì không lạc quan như vậy.
"Saudi Arabia và các đồng minh sẽ phải quyết định liệu có xem xét đề xuất của ông Biden và nâng sản lượng, hay giữ nguyên để thể hiện sự đoàn kết với Nga", Tamas Varga – nhà phân tích tại hãng môi giới dầu mỏ PVM cho biết.
Stephen Innes – Giám đốc SPI Asset Management thậm chí cho rằng OPEC+ "không thể thông báo tăng sản xuất mạnh tay khi rủi ro suy thoái đang lên cao" và giá dầu đã hạ nhiệt từ đầu tháng 6.
Giá dầu thế giới năm nay tăng cao do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, sau khi tiến sát 140 USD một thùng đầu tháng 3, giá dần giảm xuống. Tuần này, hai loại dầu chính là Brent và WTI đã xuống dưới 100 USD, chủ yếu do các số liệu kinh tế kém lạc quan từ Trung Quốc – nước nhập dầu lớn nhất thế giới.
"Mức giảm đáng chú ý trong tuần này có thể khiến OPEC+ càng thận trọng", Commerzbank nhận xét. Ngân hàng Đức cũng cho rằng việc sản xuất của Libya quay về mức bình thường lần đầu tiên trong gần 4 tháng cũng sẽ khiến OPEC+ khó đưa ra mức nâng sản lượng lớn hơn.
Năm ngoái, OPEC+ bắt đầu nâng sản lượng thêm 400.000 thùng một ngày. Hồi tháng 6, họ thống nhất tăng cung thêm 648.000 thùng mỗi ngày trong tháng 7 và 8.
Mỹ khi đó đã hoan nghênh "quyết định quan trọng của OPEC+" và nhấn mạnh vai trò của Saudi Arabia trong việc dẫn dắt tổ chức này đi đến thống nhất. Dù vậy, các chuyên gia, nhà phân tích cho rằng, động thái của OPEC+ gần như không tác động đáng kể đến nguồn cung lẫn giá dầu, do các quốc gia thành viên không thể theo kịp mục tiêu tăng sản lượng khi "công suất dự phòng và hiệu quả hoạt động giảm".
Hà Thu (theo AFP)