Hãy tưởng tượng bạn đến dự một sự kiện thể thao nơi thức ăn duy nhất trong thực đơn đều thuần chay và các cầu thủ mặc áo làm từ bã cà phê tái chế. Chào mừng bạn đến với sân nhà của Forest Green Rovers (Vương quốc Anh) – đội bóng "xanh" nhất thế giới.
Từ khi trở thành chủ tịch của Forest Green Rovers năm 2010, Dale Vince – một doanh nhân trong lĩnh vực năng lượng xanh, đã thúc đẩy sự thay đổi theo hướng thân thiện với môi trường của câu lạc bộ. Thời điểm đó, Forest Green Rovers là đội bóng đang đứng trước nguy cơ phá sản. Họ cần Vince để vực lại mọi thứ.
"Dù chưa xem họ thi đấu bao giờ nhưng tôi vẫn quan tâm. Tôi nghĩ rằng tại sao mình không giúp câu lạc bộ 120 tuổi này nhỉ", Vince chia sẻ với báo giới. Sau khi tiếp quản, ông đưa ra một số thay đổi để tạo ra đội bóng mới, tạo ra ít tác động xấu với môi trường hơn.
Tại Forest Green Rovers, Vince bắt đầu thực hiện những thay đổi tập trung vào môi trường ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình. "Tôi nhận ra từ ngày đầu tiên là có rất nhiều việc tại đây không phù hợp với tôi, như việc phục vụ thịt đỏ", Vince cho biết.
Những chiếc bánh nướng nhân thịt là món ăn phổ biến tại nhiều sân vận động nhưng với Forest Green Rovers thì không. Kể từ năm 2015, câu lạc bộ đã hoàn toàn phục vụ đồ ăn chay. Món bánh nướng vẫn được phục vụ tại sân vận động của Forest Green Rovers nhưng thay vì nhân thịt, chúng được thay bằng thực vật.
Chân dung Dale Vince (Ảnh: Internet).
Các cầu thủ cũng rất ủng hộ chế độ ăn chay. Tuy nhiên, một số người hâm mộ đã phản đối việc đồ ăn chay được phục vụ tại sân vận động. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm trước.
"Tôi nghĩ hiện nay thực phẩm chay đã được chấp nhận rộng rãi. Không ít vận động viên nổi tiếng trong làng thể thao là người ăn chay. Chìa khóa để thu hút người hâm mộ là cho họ thấy rằng đồ ăn không có thịt động vật vẫn rất tuyệt vời", Vince nói.
Ăn chay đã được chứng minh là mang lại một loạt lợi ích về môi trường. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford phát hiện ra rằng việc cắt giảm thịt và các sản phẩm từ sữa khỏi chế độ ăn uống có thể giảm lượng khí thải carbon của một cá nhân từ thực phẩm lên tới 73%.
Kể từ đó, Forest Green Rovers đã chuyển từ trạng thái gần như phá sản thành một câu lạc bộ thành công, được FIFA ca ngợi là đội bóng "xanh" nhất thế giới. Để đạt điều đó, họ tập trung vào những lĩnh vực có tác động lớn nhất.
Câu lạc bộ đã đặt các tấm pin mặt trời trên mái của nơi tập luyện, cấm đồ nhựa dùng một lần như cốc và chai nước và lắp đặt các điểm sạc cho ô tô điện. Họ cũng có xe điện riêng trong đội xe.
Việc ý thức hơn về môi trường còn mang lại cho các cầu thủ một lợi thế về thể thao. "Trong khi chơi bóng đá, thân nhiệt cầu thủ tăng lên do phải vận động nhiều. Không ai muốn mình nóng nực cả. Mặc những chiếc áo thi đấu thông thường sẽ khiến họ bị như vậy", Vince cho biết.
Áo thi đấu hiện tại của các cầu thủ được làm từ bã cà phê (Ảnh: Internet).
Cách đây 4 năm, áo thi đấu của Forest Green Rovers được làm từ vải sợi tre với đặc tính kháng khuẩn, chống nấm mốc và đem lại cảm giác siêu mềm mại trên da. Chưa dừng lại ở đó, họ tiếp tục tìm kiếm giải pháp bền vững hơn.
Thời điểm hiện tại, áo của các cầu thủ được làm từ bã cà phê – chất liệu tái chế có lợi cho môi trường hơn vải sợi tre. Loại vải này được tạo ra bằng cách trộn bã cà phê với nhựa tái chế và biến thành sợi. Theo Vince, áo từ bã cà phê thoáng khí hơn một chút so với áo từ vải sợi tre. Vì thế, Forest Green Rovers sẽ có lợi thế hơn đôi chút trong khi thi đấu.
Forest Green Rovers hiện đang đứng đầu Giải hạng hai của Liên đoàn bóng đá Anh nhưng họ hy vọng sẽ sớm đạt được thành tích cao hơn tại các giải khác. Vince cho biết ông muốn câu lạc bộ thành công trên sân cỏ vì họ càng có uy tín thì "ảnh hưởng xanh" sẽ càng lớn.
Kể từ năm 2010, lượng khán giả đến các trận đấu của câu lạc bộ đã tăng gấp bốn lần. Sân vận động thậm chí gặp phải nhiều khó khăn trong việc duy trì nguồn điện và nước vào những ngày đông đúc.
Forest Green Rovers từng phát động một cuộc thi kiến trúc quốc tế cho sân vận động mới. "Chúng tôi muốn có sân vận động bóng đá xanh nhất từ trước đến nay. Lượng khí thải carbon của bất kỳ sân vận động thể thao nào trong suốt thời gian tồn tại không bao gồm năng lượng được sử dụng để vận hành nó. 75% trong số đó tồn tại trong các vật liệu được sử dụng để xây dựng, thường là bê tông và thép. Tôi hi vọng có thể tìm ra cách để xây một sân vận động hoàn toàn bằng gỗ", Vince nói.
Mục tiêu tương lai của Vince là xây dựng sân vận động hoàn toàn bằng gỗ (Ảnh: Internet).
Năm 2021, sân vận động của Forest Green Rover - The New Lawn đã có một loạt tính năng thân thiện với môi trường, từ sân bóng đá hữu cơ đầu tiên trên thế giới (không sử dụng phân bón nhân tạo, nhổ cỏ bằng tay) để tạo điều kiện cho một môi trường sống đầy cây cối xung quanh và cho phép động vật hoang dã địa phương sinh sôi.
Nhưng như vậy là chưa đủ. Kế hoạch của Vince là tạo ra sân vận động làm hoàn toàn từ gỗ đầu tiên, có sức chứa 5.000 người. Người phát ngôn của công ty nói với New Civil Engineer: "Tầm quan trọng của việc sử dụng gỗ có nguồn gốc bền vững không chỉ nằm ở việc nó là vật liệu tái tạo tự nhiên mà còn là việc chứa hàm lượng carbon rất thấp so với các lựa chọn như bê tông và thép.
Vì vậy, sân vận động này sẽ tạo lượng carbon thấp nhất so với bất kỳ sân vận động thể thao nào trên thế giới". Bên cạnh đó, khoảng 500 cây xanh và 1,8 km hàng rào (bằng cây) sẽ được trồng tại sân vận động để thúc đẩy đa dạng sinh học.
Nguồn: ABC News, Inform
http://tintuc.vdong.vn/08/1451722.htmMộc Tiên
Theo Nhịp Sống Kinh Tế