Mới đây, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NT&PTNT) Đồng Tháp đã có báo cáo đề xuất chi hàng tỷ đồng để tiếp tục lập khảo sát địa hình, địa chất. Về việc này, các chuyên gia cho rằng, làm vậy chẳng khác nào "phóng lao thì phải theo lao"!
Đề xuất chi gần 3 tỷ đồng để khảo sát
Ngày 20-7 vừa qua, ông Võ Thành Ngoan - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp - đã ký văn bản gửi UBND tỉnh này về xử lý sụt lún đoạn kè MC740 - MC800 thuộc kè chợ Bình Thành. Theo báo cáo, nội dung chủ yếu là khảo sát địa hình, địa chất. Cụ thể kè chống xói lở bờ sông Tiền (khu vực chợ Bình Thành) dài 850m, từ Bình Thành đến vàm Phong Mỹ.
Tuy nhiên, do khu vực (KV) dự án lòng sông bị co hẹp, chế độ dòng chảy mạnh và phức tạp, địa hình lòng sông thay đổi liên tục, do đó các số liệu địa hình dưới nước phải cập nhật lại 100%, riêng địa hình trên cạn cập nhật lại khoảng 30%. Đơn vị tư vấn kiểm định đề xuất khoan bổ sung các hố ở thân kè và chân kè để có đầy đủ số liệu phục vụ tính toán kiểm định công trình.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, kinh phí dự kiến thực hiện gần 3 tỷ đồng, nguồn kinh phí dự kiến bổ sung hạng mục vào tổng mức đầu tư DA kè bờ từ đoạn Bình Thành đến vàm Phong Mỹ. Đơn vị thực hiện dự kiến là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT.
Trước đó, ngày 13-7, ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - đã có ý kiến về vấn đề xử lý sụt lún công trình đoạn kè MC740 - MC800. Sau khi xem xét đề nghị của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp và báo cáo của Sở XD, ông Tuấn không đồng ý việc ban hành lệnh XD công trình khẩn cấp xử lý cấp bách giữ ổn định sạt lở từ mặt cắt MC740 - MC800 và KV lân cận thuộc DA kè chống xói lở bờ sông Tiền - KV chợ Bình Thành, vì việc ban hành lệnh chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương tổ chức kiểm định độc lập để xác định rõ nguyên nhân gây lún, sạt trượt công trình cũng như xác định trách nhiệm của các bên có liên quan. Sở NN&PTNT tham vấn ý kiến các cơ quan chuyên môn về giải pháp xử lý đoạn kè nêu trên theo thông báo của Bộ NN&PTNT, đồng thời xác định rõ là sự cố công trình hay khắc phục hậu quả thiên tai để có hướng giải quyết phù hợp.
Chuyên gia nói gì?
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long, kè chống xói lở bờ sông Tiền KV chợ Bình Thành đã được XD tốn kém, nay bị hỏng thì việc khắc phục sửa chữa là điều dễ hiểu, theo kiểu "phóng lao thì phải theo lao"! Tuy nhiên, do bờ kè ở vị trí này khả năng xảy ra rủi ro cao dù có được sửa chữa lại, nên tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan chức năng cần cân nhắc trước khi quyết định có nên tiếp tục "theo lao" hay không.
Ông Thiện chỉ ra hai nguyên nhân chính về rủi ro ở vị trí này. Thứ nhất, theo báo cáo kỹ thuật số 31 của Ủy hội Mêkông quốc tế (UHMKQT), đoạn sông qua chợ Bình Thành có hố sâu ký hiệu V010, thuộc hệ thống 450 hố sâu lớn của toàn hệ thống sông Mêkông. Đây là một phần của hệ tự nhiên bình thường ở sông Mêkông về mặt động lực và sinh thái và đã có từ lâu, không phải mới xuất hiện.
Thứ hai, vị trí này là đoạn sông cong có mặt cắt thu hẹp, dễ xảy ra sạt lở; khi đi qua đoạn sông cong, đường "tim sông" (đường đáy sâu nhất của dòng sông) luôn đi áp sát bờ phía bên lõm, trong khi đường tim sông ở đây áp sát bờ phía chợ Bình Thành, tức là áp sát chân bờ kè; khi đi qua đoạn sông thu hẹp, vận tốc dòng chảy luôn tăng cao hơn ở các đoạn khác, dòng chảy xiết hơn... Như vậy, tại đoạn sông cong này, nước vừa đi tới vừa xoáy từ trên xuống như một mũi khoan sát bờ phía chợ Bình Thành, nay có bờ kè chắn lại thì "mũi khoan nước" này sẽ liên tục tấn công bờ kè những năm về sau.
"Khó khăn ở đây là hố sâu càng ngày càng sâu trong khi hai lực nói trên tác động vào chân bờ ở đáy sông đe dọa bào mòn, cắt đứt chân bờ. Kè được xây để bảo vệ bờ sông một khi đã bị đứt chân thì khó thể tồn tại! Bờ kè càng kiên cố, càng nặng thì càng nhanh sụp. Việc lấp các hố này là việc không nên và không thể làm", Thạc sĩ Thiện phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, một là vì thể tích các hố này rất lớn, nếu lấp sẽ vô cùng tốn kém và không có gì đảm bảo rằng về lâu dài dòng sông sẽ không nạo vét số cát này mang đi nơi khác. Thứ hai, các hố này được hình thành tự nhiên để cân bằng động lực dòng chảy, do đó khi hố bị lấp thì dòng sông sẽ phải tự cân bằng động lực bằng cách khác. Thứ ba, các hố này đóng vai trò sinh thái quan trọng của dòng sông; vào mùa khô, khi mực nước sông thấp, các hố trên sông Mêkông là nơi trú ẩn của khoảng 200 loài cá, trong đó có loài cá tra dầu và cá hô, có thể nặng tới 100 - 300kg mỗi con...
Xem thêm: lmth.139431_oal-oeht-iahp-iht-oal-gnohp-nen-gnohk/gnos-iod/nv.moc.nagnoc