Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 3-8 - Ảnh: REUTERS
Ông Ryan Hass - chuyên gia của Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) - cho biết chuyến thăm của bà Pelosi diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm, vì bà đến Đài Loan ngay dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (1-8).
Lo sợ xung đột
Ông Max Baucus - cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc dưới thời tổng thống Obama - gọi chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là "khiêu khích".
Trả lời Đài CNN ngày 2-8, ông Baucus nói: "Đây là một hành động khiêu khích vì Chính phủ Trung Quốc rất phản đối việc này. Đừng quên, bà ấy là chủ tịch Hạ viện, bà ấy không phải là một thành viên bình thường của Quốc hội. Hơn nữa, bà ấy là một người chỉ trích Trung Quốc rất mạnh mẽ".
Ông cũng cho rằng chuyến đi của bà làm suy yếu hình ảnh của Tổng thống Joe Biden.
Hồi tháng 7, khi thông tin này được tờ Financial Times đưa ra lần đầu, ông Biden còn bình luận rằng một chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan sẽ "không phải là ý tưởng hay vào lúc này".
Cựu đại sứ Baucus lập luận có thể ông Biden đã khuyên bà Pelosi đừng nên đến Đài Loan nhưng bà vẫn cứ mặc kệ. Theo ông Baucus, điều này có thể làm suy yếu hình ảnh của ông Biden, nhất là trước Trung Quốc.
Giống như ông Baucus, ông Lyle J. Goldsteim - giáo sư tại khoa nghiên cứu chiến lược tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ (NWC) - công khai phản đối chuyến đi, cho rằng đó là hành động sai lầm.
Theo ông, chuyến đi tạo ra căng thẳng một cách không cần thiết và nguy hiểm, do có thể xảy ra thông tin sai lệch giữa hai bên. Ông Goldstein, người đã có 20 năm làm giáo sư nghiên cứu, cho biết Mỹ không muốn vấn đề nhạy cảm về Đài Loan kéo họ vào một cuộc xung đột.
Ủng hộ gửi tín hiệu mạnh mẽ đến Trung Quốc
Có một điều khá ngạc nhiên là rất nhiều người thuộc Đảng Cộng hòa ủng hộ chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi.
Trong một bài viết đăng cuối tháng 7-2022, cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ - ông Newt Gingrich (một thành viên của Đảng Cộng hòa) - nhấn mạnh: "Bà Nancy Pelosi phải đến Đài Loan trong tháng 8".
Ông giải thích việc thực hiện một chuyến thăm như vậy "sẽ là tín hiệu mạnh mẽ" gửi tới Trung Quốc. Ông Newt Gingrich từng thăm Đài Loan (sau khi thăm đại lục) với tư cách là chủ tịch Hạ viện Mỹ vào năm 1997.
Một thành viên Đảng Cộng hòa có ảnh hưởng khác - cựu ngoại trưởng Mike Pompeo - cũng tuyên bố ủng hộ bà Pelosi thăm Đài Loan.
Trong khi đó, dân biểu Michael McCaul - đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện - nói với Đài NBC News: “Bất kỳ dân biểu nào muốn đi cũng nên đi". McCaul cho biết ông được mời tham gia chuyến công du châu Á của bà Pelosi nhưng không tham dự được.
Ông Allen Carlson - giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương của Đại học Cornell - cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi.
Ông nhận định chuyến thăm chắc chắn sẽ đẩy căng thẳng Mỹ - Trung lên cao trong một thời gian ngắn, song khả năng xảy ra xung đột quân sự trực tiếp "khá xa vời" vì không có bên nào muốn chiến tranh.
Bà Nancy Pelosi (sinh năm 1940) có quan điểm cứng rắn công khai với Trung Quốc khoảng 30 năm nay. Chuyến thăm Đài Loan được xem là "đỉnh điểm" trong lập trường cứng rắn của bà đối với Bắc Kinh.
Xếp thứ hai cho vị trí kế nhiệm tổng thống sau phó tổng thống, Chủ tịch Hạ viện Pelosi là chính trị gia cấp cao nhất của Mỹ công du Đài Loan kể từ khi cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich đi thăm hòn đảo này vào năm 1997.
TTO - Đai sứ Trung Quốc tại Anh Zheng Zeguang cảnh báo các nhà lập pháp của xứ sương mù không nên nối gót Mỹ và sẽ đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng" nếu vẫn đến Đài Loan vào cuối năm nay.
Xem thêm: mth.26075700130802202-isolep-ab-auc-naol-iad-maht-neyuhc-ev-ym-o-ueihc-iart-naul-ud/nv.ertiout