Theo báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, tổng tài sản của các nhà băng đã đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Top10 ngân hàng có tài sản lớn nhất nắm giữ hơn 10,4 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 7,61% và chiếm 77,6% tổng tài sản của các ngân hàng được thống kê.
Đứng đầu bảng xếp hạng vẫn là các nhà băng thuộc nhóm big 4. Nhóm này sở hữu gần 6,91 triệu tỷ đồng tài sản, tăng khoảng 7,94% so với đầu năm và chiếm hơn một nửa tổng tài sản của các ngân hàng (~51%).
Có tổng tài sản lớn nhất là BIDV với hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,88% so với đầu năm. Cho vay khách hàng là động lực chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng tổng tài sản. Khoản này chiếm tỷ trọng gần 75% tổng tài sản BIDV và tăng gần 56.734 tỷ so với cuối năm trước.
Agirbank xếp thứ 2 với khối tài sản trị giá hơn 1,7 triệu tỷ, tăng 4,42% so với đầu năm. Động lực chính giúp mở rộng quy mô tài sản đến từ chứng khoán đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, khoản mục này tăng hơn 77.000 tỷ, lên gấp 2,2 lần mức ghi nhận vào cuối năm 2021.
Đứng ngay Agribank sau là VietinBank với tổng tài sản hơn 1,69 triệu tỷ, tăng 10,41%. Tính đến 30/06/2022, khoản các khoản cho vay khách hàng chiếm 71,4% tài sản VietinBank và đóng góp gần 102 nghìn tỷ đồng vào việc mở rộng quy mô tài sản.
Vietcombank cũng sở hữu khối tài sản hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 13,27% so với đầu năm và đứng cuối cùng trong nhóm Big4. Đây cũng là nhà băng có tăng trưởng tài sản mạnh nhất trong 28 nhà băng được khảo sát. Ba động lực chính giúp tài sản Vietcombank mở rộng mạnh mẽ đến từ: 1) cho vay khách hàng; 2) Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác và 3) chứng khoán đầu tư.
Bên nhóm tư nhân, MB dẫn đầu về quy mô với tổng tài sản hơn 658 nghìn tỷ, tăng trưởng 8,42% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của ngân hàng này là các khoản cho vay khách hàng (~61%); chứng khoán đầu tư (~20%); tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác (~9%). Trong đó, sự mở rộng của hoạt động cho vay là yếu tố chính giúp quy mô tài sản ngân hàng không ngừng tăng thêm.
Nguồn: BCTC các ngân hàng
Đứng vị trí thứ 6 là Techcombank, tính đến ngày 30/06, tài sản của nhà băng này là gần 624 nghìn tỷ đồng, tăng 9,67% so với đầu năm. Động lực tăng trưởng tài sản của ngân hàng này chủ yếu đến từ việc gia tăng các khoản cho vay các tổ chức tín dụng khác và các loại tài sản khác.
Theo sau là VPBank với quy mô tài sản hơn 608 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 11,12% so với hồi đầu năm. Sacombank sở hữu tổng tài sản hơn 551 nghìn tỷ đã vươn lên thế chỗ ACB giành vị trí ngân hàng có tài sản nhiều thứ 8. Về phần ACB, tổng tài sản của nhà băng này tính đến cuối quý II là gần 544 nghìn tỷ, tăng trưởng 3,03%. SHB xếp vị trí thứ 10 với khối tài sản trị giá hơn 522 nghìn tỷ, tăng 3,06% so với cuối năm 2021.
Nhìn chung, các ngân hàng đều ghi nhận mở rộng quy mô tài sản. Có 5 ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tài sản trên 10% trong nửa đầu năm gồm: Vietcombank ( 13,27%), VIB ( 12,44%), NamABank ( 11,67%), VPBank ( 11,12%), VietinBank ( 10,41%).
Chỉ có 4 ngân hàng ghi nhận quy mô tài sản thu hẹp là KienLongBank (giảm 12,03%), VietABank (giảm 6,57%), MSB (giảm 4,23%) và PGBank (giảm 2,18%). Các ngân hàng này không mở rộng được tài sản chủ yếu do các khoản tín dụng, chứng khoán đầu tư, và một số khoản khác tăng trưởng kém tích cực.
Nguồn: BCTC các ngân hàng
Theo Hoà Lê
Nhịp Sống Kinh tế
Xem thêm: nhc.36812654130802202-ogn-tab-yag-knabmocteiv-nas-iat-om-yuq-gnor-om-gnugn-gnohk-4gib/nv.zibefac