Tại khu lưu trú văn hóa thanh niên công nhân ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến chuyên gia Lê Văn Thành, người nhiều năm nghiên cứu về nhà ở xã hội (NƠXH) và đời sống của người lao động (NLĐ) trên địa bàn TP.HCM.
NLĐ thường không muốn thay đổi nơi ở, lương có thấp xuống một chút nhưng chỗ ở ổn định vẫn được NLĐ lựa chọn gắn bó hơn những nơi có lương cao nhưng không có nơi ở. Trong đợt dịch vừa qua, nhiều người rời nhà trọ về quê. Ở những khu lưu trú cho công nhân được xây dựng khang trang, đủ điều kiện an ninh, môi trường, lượng người bỏ việc về quê ít hơn.
Từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho NƠXH nhưng qua 17 năm, lượng NƠXH vẫn còn rất ít. Nói thẳng là các chính sách đã có không đủ làm cho cung và cầu NƠXH gặp nhau.
Các chính sách NƠXH hiện nay không thể tạo ra nhà có giá thành hợp lý, vừa túi tiền của NLĐ. Thu nhập không cao, NLĐ khó tiết kiệm được lâu dài để có khoản tiền lớn mua nhà. Quy định hiện hành lại không có cơ chế để NLĐ tích lũy bắt buộc nên dù được Nhà nước hỗ trợ cho vay lãi suất thấp họ cũng không có đủ tiền để mua căn hộ nhỏ.
Phần lớn công nhân không thể mua nổi nhà, họ cũng không có nhu cầu mua nhà. Nhiều người cũng đã có nhà ở quê, đến thành phố làm việc, cái họ cần là nhà cho thuê giá cả phải chăng, môi trường sống tốt để có thể nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Nhưng đa số nhà ở trên thị trường hiện nay đều để bán. NƠXH cũng để bán phần lớn, số lượng NƠXH để cho thuê bắt buộc trong các dự án cũng bị nhiều chủ đầu tư đem bán dưới hình thức cho thuê trả tiền một lần.
Theo tôi, Nhà nước cần điều chỉnh chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho thuê như ưu đãi lãi suất vay ngân hàng, miễn, giảm hoặc trả chậm tiền sử dụng đất hoặc có những ưu tiên về thuế, về quy hoạch, giao quỹ đất sạch để doanh nghiệp xây nhà cho thuê. Với những dự án NƠXH có nhà ở cho thuê thì Nhà nước phải kiểm soát để người dân được thuê nhà đúng nghĩa.
Nhà nước phải "ra tay" chủ trì tạo lập nhà ở cho thuê, có thể giao cho các đơn vị xây nhà cho thuê hoặc mua lại nhà của doanh nghiệp để cho người lao động thuê với giá hỗ trợ.
Tiền đâu Nhà nước lo hết?
Khi có ít nhà sẽ giải quyết hỗ trợ chỗ ở cho NLĐ ở khu vực có năng suất cao, giá trị gia tăng lớn và nhanh đem lại phát triển để thu ngân sách. Sau đó, tùy thuộc vào số lượng nhà ở có được mà ưu tiên đến những đối tượng khác.
Nhà nước cần có chính sách buộc NLĐ và doanh nghiệp sử dụng lao động phải tiết kiệm tiền để tạo lập chỗ ở. Có thể trích một phần tiền lương để đóng góp vô quỹ tạo lập nhà ở, doanh nghiệp đóng góp một phần. Khi tài khoản của NLĐ có số dư tương đối thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ thêm để mua, thuê mua nhà. Ai không có nhu cầu mua nhà có thể rút tiền trong tài khoản sau một số năm nhất định.
Chính quyền nên xem việc mua nhà, xây nhà cho NLĐ thuê là một dự án công trọng điểm buộc phải hoàn thành, ngân sách phải đầu tư. Cũng có thể lấy kinh phí từ nguồn tiền do các chủ đầu tư dự án nộp để thực hiện nghĩa vụ NƠXH tại các dự án dưới 10ha để thực hiện chính sách này.
TTO - Người thu nhập thấp đều không có tiền tích lũy, cũng không đủ khả năng trả nợ ngân hàng nên không thể mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, người thu nhập đủ trả nợ ngân hàng lại không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.
Xem thêm: mth.18551400140802202-euht-ohc-ahn-yax-yat-ar-iahp-coun-ahn/nv.ertiout