7 tháng qua, thu ngân sách của TP.HCM được hơn 282.000 tỷ đồng, đạt 73% dự toán năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP.HCM ước đạt hơn 656.000 tỷ đồng. Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, như: điện tử, hóa dược-cao su-nhựa, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống và cơ khí tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Cũng trong 7 tháng qua, TP.HCM thu hút được 2 tỷ 430 triệu USD từ vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đã có hơn 25.300 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% số lượng doanh nghiệp.
Kinh tế TP.HCM trong 7 tháng đã phục hồi và tăng trưởng, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, như: Giải ngân đầu tư công chậm mới đạt 26% vốn được giao, số doanh nghiệp mới thành lập tăng nhưng số vốn đầu tư giảm 9% so với cùng kỳ... Đáng lo ngại là, thời gian gần đây thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp khó khăn do tình hình lạm phát ở Châu Âu và Mỹ ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa. Giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất.
Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện theo dõi sát tình hình để chủ động có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
“Câu chuyện của chúng ta là giá tác động của quý 3 và những tháng cuối năm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Từ đó, chúng ta có sớm nhận diện vấn đề và chủ động giải pháp kịp thời vì thường tác động của giá đối với TP.HCM có độ trễ” - ông Phan Văn Mãi nói./.
Xem thêm: vov.921169tsop-mahc-gnoc-ut-uad-nagn-iaig-mchpt/et-hnik/nv.vov